Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam

Phạm Anh|05/05/2022 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 5/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo giới thiệu: “Dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam – Dự án VSUEE.”

Dự án do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản quản lý.

Động lực cho doanh nghiệp thay đổi công nghệ

Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển nền kinh tế, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Hiện các ngành công nghiệp của Việt Nam chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Từ các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, VNEEP3 cho thấy, dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong công nghiệp còn khả thi từ 20-30%.

Trong thời gian qua, với những hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương đã và đang triển khai, xây dựng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm thúc đẩy hơn nữa thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng, tăng cường năng lực cho các bên liên quan, tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác về áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp.

Với mong muốn cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp để đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như mục tiêu giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai xây dựng Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam.

“Dự án VSUEE với mục tiêu là động lực, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thay đổi công nghệ theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Dự án mong muốn góp phần thúc đẩy khối doanh nghiệp công nghiệp kiên định theo đuổi mục tiêu tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.

Dự án có tổng kinh phí là 11,3 triệu USD tương đương khoảng 252 tỷ đồng. Kinh phí bao gồm: Hợp phần 1, Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro 3 triệu USD và Hợp phần 2, Hỗ trợ kỹ thuật 8,3 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026.

Hội thảo giới thiệu: “Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam – Dự án VSUEE”.

Ông Chu Bá Thi, đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định, nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng với Việt Nam, thông qua Bộ Công Thương với vai trò quản lý Nhà nước trong việc thúc đẩy ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững. WB cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng thông qua hàng loạt chương trình, dự án đã và đang đưa vào triển khai trong thời gian tới. Những dự án hợp tác giữa WB và Bộ Công thương sẽ đóng góp vào thành công của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.

Thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng bằng công cụ bảo lãnh tín dụng

Theo ông Chu Bá Thi, việc thực hiện một Quỹ chia sẻ rủi ro cho tiết kiệm năng lượng của dự án này là một sáng tạo và lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, giúp thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng bằng các công cụ bảo lãnh tín dụng. Theo đó, Quỹ chia sẻ rủi ro sẽ giúp cho các ngân hàng tự tin hơn trong việc cấp tín dụng, giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được vốn cho đầu tư tiết kiệm năng lượng. Hợp phần kỹ thuật của dự án sẽ cung cấp đào tạo và nâng cao năng lực cho các bên tham gia dự án, bao gồm các ngân hàng, các doanh nghiệp công nghiệp, các cơ quan nhà nước có liên quan trong xây dựng chính sách, áp dụng đầu tư công nghệ mới, sáng tạo và hiệu quả năng lượng.

Tham gia Dự án VSUEE, các doanh nghiệp công nghiệp được áp dụng các công nghệ cải tiến và tối ưu hóa sản xuất để cắt giảm chi phí sản xuất và tiêu thụ năng lượng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của mình trong các thị trường trong nước và quốc tế.

Các ngân hàng thương mại được hưởng lợi từ việc phát triển sản phẩm vay tiết kiệm năng lượng công nghiệp, được tăng cường năng lực kỹ thuật về thẩm định và theo dõi đầu tư cho tiết kiệm năng lượng. Thông qua những hoạt động này WB mong muốn tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, các ngân hàng tham gia dự án còn được cấp bảo lãnh tín dụng một phần cho các khoản vay của doanh nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh các doanh nghiệp công nghiệp và ngân hàng tham gia dự án, các cơ quan/đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện dự án như đơn vị quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng ở Trung ương và Địa phương, các trung tâm tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước được tăng cường năng lực về quản lý ngành, xây dựng đồng bộ hệ thống dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý, số liệu trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Chia sẻ về Quỹ Chia sẻ rủi ro, bà Ngô Thu Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SHB khẳng định, với vai trò là đơn vị quản lý Quỹ Chia sẻ rủi ro được Chính phủ Việt Nam, Bộ Công thương và Ngân hàng Thế giới tin tưởng lựa chọn, SHB cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các ngân hàng thương mại tham gia (PFI) trong việc xác định các tiểu dự án hợp lệ. Xây dựng và phát triển danh mục các khoản bảo lãnh tiềm năng, cũng như quản lý khoản vay trong suốt thời gian triển khai Dự án. SHB đồng thời cũng sẽ đồng hành với các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam phát triển đầu tư công nghệ, thiết bị, giải pháp để tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và môi trường tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các tổ chức tài chính tham gia Dự án, các doanh nghiệp công nghiệp và công ty dịch vụ năng lượng đã được các chuyên gia hướng dẫn, tập huấn chuyên sâu về một số nội dung như: Hướng dẫn xác định các định mức tiết kiệm năng lượng, các công nghệ giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, nhận dạng các dự án tiết kiệm năng lượng tiềm năng, tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng và hệ số giảm phát thải,…

Chương trình kéo dài trong hai ngày 5 và 6 tháng 5 năm 2022. Cũng trong khuôn khổ Chương trình, một hội thảo tương tự cũng sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu về Dự án và tập huấn chuyên sâu cho các đơn vị tham gia.

Phạm Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam