Thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết

Lan Hạ|01/11/2022 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này.

pctqh-ng-duc-hai.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Theo đó có 107 lượt ý kiến phát biểu tại 19 tổ, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để áp dụng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, góp phần vào công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, phòng chống tham nhũng và đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ.

Đối với từng nhóm chính sách của các điều, khoản cụ thể trong dự thảo luật, các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp các ý kiến các vị đại biểu Quốc hội gửi trên mạng thông tin của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, dự án luật được thông qua tại kỳ họp, chỉ thảo luận một lần tại hội trường, vì vậy, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung đóng góp ý kiến để đảm bảo chất lượng dự án luật khi được thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong đó gợi ý 3 nhóm vấn đề lớn cần tập trung thảo luận; đề nghị các vị đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề, tránh trùng lặp. Trong quá trình điều hành, Đoàn Chủ tịch sẽ bố trí, sắp xếp thứ tự hợp lý trường hợp có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu. Đoàn Chủ tịch cũng mời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu làm rõ thêm một số nội dung các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tăng cường phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản

Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, kĩ lưỡng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Đại biểu cho biết, trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.

Đại biểu nêu rõ việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Do đó để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.

Đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền đối với các đối tượng này.

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng nhấn mạnh cần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị thiết kế một chương về hợp tác quốc tế về phòng chống rửa tiền để đảm bảo tính logic của dự thảo Luật, đồng thời nhằm tiếp tục khẳng định rằng Việt Nam rất chủ động trong hoạt động hợp tác song phương cũng như đa phương trong cuộc chống rửa tiền và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong phòng chống rửa tiền.

Cần quy định về pháp nhân để đảm bảo thống nhất với Bộ Luật dân sự năm 2015

​Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến về quy định giao dịch có giá trị lớn tại khoản 5 Điều 3, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị nên quy định cụ thể mức này trong luật để dễ theo dõi thực hiện và bảo đảm giá trị pháp lý. Trường hợp cần thiết thì mới giao cho Chính phủ, không nên giao cho Thủ tướng Chính phủ thay đổi mức này. Thực tế quy định mức giao dịch có giá trị lớn được Thủ tướng Chính phủ quy định trong 10 năm vừa qua cũng không thay đổi. Hiện nay mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 20 ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. Vì vậy, có thể xem xét tăng mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo lên 500 triệu đồng.

Về tổ chức phi lợi nhuận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị cần xem xét sửa đổi thành pháp nhân phi thương mại vì luật cần phải quy định về pháp nhân thay cho tổ chức và để đảm bảo sự thống nhất với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 76 về pháp nhân phi thương mại được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015.

Về việc thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu rõ, tài khoản vô danh, nặc danh và mạo danh trong lĩnh vực ngân hàng, điện thoại di động và mạng xã hội là một trong những vấn đề nhức nhối tiếp tay cho hoạt động gian lận, lừa đảo xảy ra ngang nhiên, phổ biến, rất khó phát hiện ngăn chặn và điều tra, xử lý trong thời gian vừa qua. Do đó, đại biểu đề nghị luật này cùng với các luật liên quan cần có các quy định nhằm ngăn chặn việc lừa đảo ngang nhiên chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.

Cần đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm

Liên quan đến dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Hải Trung – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, hiện Công an TP Hà Nội đang điều tra vụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền với số tiền ước tính có thể lên đến nhiều nghìn tỷ. Đối tượng chủ mưu, tổ chức các hoạt động phạm tội này là người nước ngoài, thuê rất nhiều người nước khác, trong đó có người Việt Nam, trụ sở, địa điểm tổ chức thực hiện hành vi phạm tội là ở nước ngoài và công cụ, phương tiện, thiết bị phạm tội cũng ở nước ngoài.

Phương thức phạm tội rất tinh vi. Sau khi nhận tiền của người bị hại thì chia nhỏ gửi qua nhiều tài khoản, sau đó chụm vào 1 tài khoản ảo, rồi rút ra tiền mặt.

Từ đẫn chứng nêu trên, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị cần phải đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở và sử dụng tài khoản. Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và hoạt động phòng, chống rửa tiền nói riêng của Công an TP Hà Nội trong thời gian qua nổi lên là hoạt động liên quan đến sử dụng thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hoặc thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán lại tài khoản cho đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Mục đích của hành vi này là nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức thực sự quản lý sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác phát hiện của các cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, đại biểu Nguyễn Hải Trung nhận thấy, đây là vấn đề rất quan trọng, nếu nhận diện xác định rõ đối tượng tự quản lý, sử dụng tài khoản sẽ góp phần triệt tiêu được việc giả mạo thông tin tài khoản.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị: Một là, cần có cơ chế phối hợp đối chiếu thông tin chủ tài khoản ngân hàng, tài khoản trên nền tảng trung gian thanh toán, có khi đăng ký mở tài khoản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả.

Hai là, tổ chức cung cấp tài khoản dịch vụ ngân hàng điện tử giao dịch điện tử phải có đầy đủ đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nhận diện và xác thực thông tin người dùng.

Ba là, đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 dự thảo Luật này để tạo cơ sở, căn cứ pháp lý, chế tài xử lý đối với hoạt động trên, từ đó tạo sự răn đe với các cá nhân và tổ chức khác.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung cũng đề nghị cần bổ sung thêm một điều luật quy định riêng về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác phòng, chống rửa tiền. Đồng thời cần phải có cơ chế sớm hơn, nhanh hơn để trì hoãn giao dịch phong tỏa tài khoản đối với các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu phạm tội.

thong-doc-ngan-hang-giai-trinh.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ ngày 24/10 cũng như tại hội trường. Các ý kiến rất xác đáng, tâm huyết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội đối với công tác phòng, chống rửa tiền nói chung cũng như việc xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi nói riêng.

Theo đó, tại phiên thảo luận ở tổ, có 107 đại biểu Quốc hội có ý kiến với khoảng 200 lượt ý kiến, cơ quan soạn thảo đã có báo cáo giải trình chi tiết gửi đại biểu Quốc hội.

Báo cáo thêm một số nội dung đại biểu nêu, trong đó đối với các nội dung giao Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết các quy định này chủ yếu là những nội dung liên quan đến kỹ thuật và những nội dung cần phải điều chỉnh theo từng thời kỳ; hoặc nội dung phát sinh trong thực tiễn, cần phải có những cái cập nhật kịp thời rồi thay đổi thường xuyên.

Tại hồ sơ dự án luật trình Quốc hội, Chính phủ đã trình kèm dự thảo nghị định cũng như dự thảo về quyết định của Thủ tướng Chính phủ và dự thảo thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Nhóm vấn đề thứ hai đại biểu nêu liên quan đến các đối tượng chủ thể báo cáo và tính khả thi trong việc quy định đối với các chủ thể đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính và phi tài chính.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, các đối tượng báo cáo này trong dự thảo luật là những đối tượng được kế thừa từ Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) bổ sung những đối tượng đang được quy định các văn bản dưới luật.

Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo luật này là các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo luật, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo luật. Chính vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Nhóm vấn đề thứ ba, các đại biểu quan tâm rất nhiều, đó là liên quan đến cái dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ, Thống Đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu là mang tính định tính, cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm mang tính phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm của Việt Nam.

Do dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu, sau đó các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin để phân tích, xử lý…

Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng giải trình về nhóm vấn đề liên quan đến các vấn đề về trì hoãn giao dịch. Theo đó, để tránh lạm dụng với ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân dự thảo luật cũng đã quy định thời hạn trì hoãn không quá ba ngày kể từ ngày thực hiện và đối tượng báo cáo được miễn trách nhiệm pháp lý nếu thực hiện theo đúng các quy định của luật…

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong phiên thảo luận đã có 22 ý kiến phát biểu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế của luật hiện hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.