Thuốc Molnupiravir tại Việt Nam: Thí điểm có kiểm soát chặt chẽ

Hà Anh|22/12/2021 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Molnupiravir là một thuốc kháng virus. Theo nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, trong điều trị COVID-19, thuốc có khả quan về tính an toàn, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ sau 5 ngày điều trị.

Tại Việt Nam, thuốc này cũng chưa được cấp phép lưu hành. Mặc dù chưa cấp phép lưu hành thuốc Molnupiravir nhưng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố trên thế giới lại có kết quả khả quan về tính an toàn, tính dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ sau 5 ngày điều trị, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tỉ lệ tử vong nên Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại cộng đồng ở TPHCM từ giữa tháng 8/2021.

Tức là việc sử dụng thuốc Molnupiravir tại Việt Nam đang được tiến hành thông qua hình thức nghiên cứu tại cộng đồng trong khuôn khổ Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ.

Thuốc Molnupiravir.

Đến nay, Chương trình này đã mở rộng triển khai tại 46 địa phương có dịch trong toàn quốc. Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho 46 tỉnh, thành phố đang triển khai Chương trình.

Bộ Y tế cho biết, việc triển khai Chương trình này tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ, được Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học thẩm định, chấp thuận. Chương trình cũng được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết từ các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế.

Theo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế – đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình, do thuốc Molnupiravir chưa được cấp phép lưu hành nên các địa phương tham gia Chương trình đều phải có đề cương được phê duyệt và thực hiện theo đề cương này. Sở y tế các địa phương sẽ là đầu mối thực hiện.

Chính vì thuốc chưa được cấp phép lưu hành rộng rãi nên việc quản lý thuốc nghiên cứu cần phải hết sức chặt chẽ để tránh thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích nghiên cứu. Việc nhập thuốc hay sản xuất thuốc trong giai đoạn nghiên cứu này đều phải có kế hoạch, được phê duyệt, Bộ Y tế thông tin.

F0 nào tham gia Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir?

Tại Hà Nội, Sở Y tế mới ban hành quy trình triển khai Chương trình sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho những người mắc COVID-19 (F0) thể nhẹ.

Quy trình được áp dụng cho tất cả nhân viên y tế tại các bệnh viện (bao gồm cả các điểm thu dung của các bệnh viện), trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã (kể cả trạm y tế lưu động) đăng ký tham gia Chương trình điều trị thuốc kháng virus cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo đó, bệnh nhân được tham gia Chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR dương tính trong vòng 5 ngày; từ 18 tuổi trở lên; có cam kết đồng ý tham gia Chương trình bằng văn bản và không có các chống chỉ định dùng thuốc. Trường hợp bệnh nhân được cách ly điều trị tại nhà, phải có văn bản của chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà.

Các trạm y tế xã (bao gồm cả trạm y tế lưu động) lập danh sách bệnh nhân đủ tiêu chuẩn tham gia Chương trình, khám sàng lọc, lập hồ sơ bệnh án các trường hợp đồng ý cam kết tham gia Chương trình để gửi trung tâm y tế tuyến huyện nhằm lĩnh thuốc theo danh sách. Mỗi bệnh nhân nhận 40 viên Molnupiravir 200 mg, ngày uống 2 lần, mỗi lần 800 mg (4 viên), uống trong 5 ngày. Sau khi dùng hết thuốc, bệnh nhân gom vỏ thuốc để trả cho cán bộ y tế nhằm kiểm soát việc dùng thuốc và hủy theo rác thải y tế.

Tại TPHCM, trong cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 9/12, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, không phải đối tượng nào cũng sử dụng được thuốc kháng virus Molnupiravir mà phải sử dụng cho đúng đối tượng.

Theo bà Huỳnh Thị Mai, với gói thuốc C có thuốc Molnupiravir được điều chuyển đến các trạm y tế, nếu phát rộng rãi cho tất cả những người vừa có kết quả test nhanh dương tính SARS-CoV-2 thì không thể đủ. Do đó, với người bệnh trẻ, khỏe, không có triệu chứng và đã tiêm đủ 2 liều vaccine thì không thuộc chỉ định uống Molnupiravir. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ dẫn đến hệ quả nguy hiểm, đặc biệt là kháng kháng sinh. Đây là điều rất nguy hiểm cho cộng đồng.

Theo các chuyên gia, thuốc nào cũng có 2 mặt, đó là lợi ích và nguy cơ. Nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm thì sẽ có hiệu quả cao và ngược lại. Thực tế, trong thời gian vừa qua, đã có nhiều trường hợp F0 sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế như dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm… khiến tình trạng bệnh trở nặng.

Hà Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thuốc Molnupiravir tại Việt Nam: Thí điểm có kiểm soát chặt chẽ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.