Tuy nhiên, do lượng rác tiếp nhận quá lớn (khoảng 500 tấn rác mỗi ngày/đêm) nên lâu ngày các đống rác cao lên như quả đồi gây quá tải. Tại đây, đã xảy ra nhiều vụ bãi rác tự phát cháy, khói bụi bốc ra gây ô nhiễm không khí trên diện rộng. Trong khi lượng rác tồn động ngày càng nhiều gây ô nhiễm môi trường trầm trọng thì chính quyền và các ngành chức năng địa phương chưa có giải pháp khả thi nào để xử lý bãi rác khủng ngày càng phình ra.
Nhiều năm nay, các hộ dân ở xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang rất bức xúc trước tình trạng bãi rác Tân Lập ngày càng phình to và gây ô nhiễm nguồn nước, không khí. Cũng vì bãi rác khủng này mà cuộc sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực này bị đảo lộn.
"Bây giờ ô nhiễm nhiều lắm. Rác để lâu ngày rỉ nước đen sì rất hôi. Cuộc họp nào chúng tôi cũng phản ánh, kiến nghị các cấp chính quyền phải sớm giải quyết để trả lại môi trường trong sạch cho người dân thôi chứ biết cách nào”- một người dân sống gần khu vực bãi rác nói.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Bí thư huyện Tân Phước cho biết, thời gian qua, người dân và cử tri địa phương rất bức xúc trước thực trạng bãi rác Tân Lập ngày càng gây ô nhiễm nặng nề. Các ngành chức năng tỉnh đã nhiều lần đến khảo sát, tìm giải pháp xử lý, mở rộng bãi rác, cũng như kêu gọi đầu tư xây nhà máy xử lý rác nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến.
“Đến nay, bãi rác hầu như chưa được khắc phục, cử tri phản ánh ngày càng gay gắt hơn. Việc chậm trễ xử lý và kéo dài tình trạng như hiện nay trong khi rác thải vẫn hàng ngày đưa về đây tập kết khiến bà con rất bức xúc. Rất mong UBND tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn này, sớm thực hiện dự án mở rộng bãi rác và đầu tư nhà máy xử lý rác, cử tri rất quan tâm và mong chờ ”. Ông Tuấn nói:
Theo Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho, (đơn vị quản lý bãi rác Tân Lập) từ 7/11/2022, mỗi ngày/đêm, bãi rác tiếp nhận hơn 500 tấn rác từ các nơi của tỉnh Tiền Giang chuyển vào. Qua nhiều năm, đến nay, bãi rác Tân Lập chứa trên 1 triệu tấn rác ở diện tích khoảng 14 ha đất. Thời gian qua, việc xử lý rác thải tại đây chỉ đơn thuần là phun thuốc khử mùi, san ủi chôn lấp. Tuy nhiên do lượng rác tiếp nhận quá lớn nên lâu ngày các đống rác cao lên như quả đồi gây quá tải. Tại đây, đã xảy ra nhiều vụ bãi rác tự phát cháy, khói bụi bốc ra gây ô nhiễm không khí trên diện rộng.
Ông Lê Minh Sáng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho cho biết, bãi rác Tân Lập từ lâu đã quá tải, theo quy định mỗi tấn rác thải đưa vào đây phải đóng phí 64.000 đồng nhưng nguồn thu này không đủ chi cho công tác xử lý rác. Trong khi chờ đợi kêu gọi nhà đầu tư triển khai các dự án nhà máy xử lý rác, Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho có kiến nghị tỉnh cho đầu tư lò đốt rác đúng quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường để tiêu hao bớt lượng rác ngày càng nhiều.
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư đến thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Tân Lập cũng như các bãi rác tập trung khác trong tỉnh nhưng do “vướng” thủ tục pháp lý, nhất là vấn đề quy hoạch nên đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào đến thực hiện dự án.
Riêng bãi rác Tân Lập là nơi tập kết rác lớn nhất ở tỉnh Tiền Giang, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến nhiều dự án phát triển công nghiệp, nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được triển khai thực hiện. Trong khi đó, vấn đề “xử lý” bãi rác khủng này rất nan giải.
Theo ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, bãi rác Tân Lập đến nay chưa có nhà đầu tư nào làm. Sau khi rà soát lại, thấy có nhiều vấn đề bất cập, thường trực UBND tỉnh đã họp phân tích tình hình và chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra lại, tham mưu đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
“Lý do chúng tôi chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra lại để điều chỉnh quy hoạch là vì tại vị trí bãi rác này chúng tôi đã quy hoạch nhiều dự án khác, trong đó có dự án sân gold, khu nghỉ dưỡng và các dự án khác”, ông Trọng cho biết.
Được biết, không chỉ bãi rác Tân Lập đang trong tình trạng ô nhiễm mà các khu dự trữ rác thải tập trung khác ở tỉnh Tiền Giang cũng đang là vấn đề cấp thiết cần sớm được quan tâm giải quyết song song với việc chăm lo phát triển kinh tế- xã hội. Đã đến lúc phải xem rác thải từ sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp là nguồn tài nguyên có giá trị nếu chúng được xử lý, tái chế tích cực, hợp lý vừa giải quyết vấn đề gây ô nhiễm môi trường vừa tạo ra nguồn nguyên liệu có ích cho cuộc sống.