Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng: Muốn hạn chế cháy nổ phải thay đổi nhận thức của người dân

02/06/2022 06:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – “Không thể ngay lập tức thay đổi hiện trạng, vẫn phải giáo dục, vẫn phải tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và pháp luật về bảo vệ môi trường, nhận thức thay đổi, người dân tự giác hơn thì công tác PCCC và bảo vệ môi trường sẽ tốt hơn”, đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường tại buổi Tọa đàm “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị”.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Bất cập từ các khu dân cư

Theo quy định tại Thông tư 23/2012 của Bộ Công an, khu dân cư là khu vực tập trung người dân, các hộ gia đình sinh sống. Trong đô thị, khu dân cư được hiểu là các tổ dân phố, tức là một cụm dân cư, quy mô nhỏ hơn cấp phường. Tuy nhiên, nếu tham khảo quy định về khu dân cư tại các văn bản pháp luật khác, chúng ta thấy vẫn còn nhiều sự không thống nhất. Trong Luật Bảo vệ môi trường, cụm dân cư, cụm dân cư tập trung là những khái niệm không trùng lặp với khái niệm cụm dân cư trong thông tư 23. Cụm dân cư tập trung có thể hiểu là cả một đô thị hay nội khu của một đô thị nơi tập trung số lượng dân cư sinh sống đông, với mật độ cao.

Hiện nay, trong các khu dân cư của chúng ta, khu dân cư có rất nhiều loại hình, khu dân cư được hình thành từ mấy chục năm nay tức là các khu dân cư rất cũ và có những khu dân cư mới được xây dựng gần đây.

Hiện trường vụ cháy nhà tại khu tập thể Kim Liên khiến 5 người thiệt mạng.

Các quy định về xây dựng và PCCC, trong các khu dân cư hiện nay, người dân tuân thủ theo mức độ tự giác khác nhau, đặc biệt ở các khu dân cư cũ hay khu liền kề, tức là người dân tự xây dựng sau khi được chia lô bán nền thì nhà cửa xây dựng không đảm bảo các yêu cầu về PCCC theo Luật PCCC trong nội tại hộ gia đình nhà mình, thậm chí còn không đảm bảo quy định liên quan đến khoảng cách an toàn về PCCC giữa nhà mình và hàng xóm xung quanh.

Trong những năm vừa qua, xảy ra nhiều vụ cháy nổ ở các khu dân cư để lại hậu quả lớn. Nguyên nhân tại đâu, trong từng trường hợp cụ thể thì có những nguyên nhân khác nhau, nhưng tựu chung có 2 nguyên nhân chính đó là ý thức và sự chủ quan của người dân; Công tác quản lý ở một số cụm dân cư, qua kiểm tra rà soát, chúng ta cũng thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng các quy định pháp luật về PCCC, bảo vệ môi trường chưa được tuân thủ nghiêm chỉnh.

Đến các cơ sở kinh doanh

Hiện nay, theo Luật Bảo vệ môi trường mới, các quy định về khoảng cách an toàn về môi trường, an toàn về phòng chống cháy nổ đã được quy định cụ thể hơn. Luật quy định chính quyền, UBND các địa phương phải rà soát và xây dựng lộ trình để tiến hành triển khai thực hiện các quy định của luật là phải đảm bảo được khoảng cách an toàn giữa các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đối với các khu dân cư.

Các vụ cháy, nổ hoặc sự cố rò rỉ hóa chất đều gây ô nhiễm môi trường cấp, cục bộ hoặc lâu dài; ở mức độ nghiêm trọng có thể trở thành sự cố môi trường hoặc thảm họa môi trường. Trao đổi về vấn đề này, ông Đồng cho biết: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn khả năng cháy nổ cao cùng một số yếu tố khác theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được xếp vào nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Trong các siêu đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng khối lượng lớn nhiên liệu như xăng dầu dễ cháy, nhiều hóa chất độc hại dễ cháy nổ. Khi quản lý không tốt thì tại các cơ sở sản xuất kinh doanh mà để xảy ra sự cố sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn, trong nhiều trường hợp có thể đạt đến mức thảm họa.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bổ sung nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh đặc biệt trong các khu đô thị. Các cơ sở sản xuất kinh doanh được chia làm 4 nhóm khác nhau.

Vụ cháy khiến 7 ngôi nhà bị thiêu rụi trên phố Nguyễn Hoàng.

Nhóm số 1 là nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao là các cơ sở sản xuất kinh doanh tiềm ẩn khả năng cháy nổ cao cộng với sử dụng nguyên nhiên liệu độc hại khác.

Để ngăn chặn hậu quả về môi trường, nếu để xảy ra cháy nổ, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 làm rõ nhiều nội dung như về khoảng cách an toàn về môi trường, từ khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ đến khu dân cư, căn cứ vào quy mô, công suất, tính chất của dự án khác nhau phải được xem xét, tính toán và phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho phép, phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng và Luật PCCC trong khi lập đề án đầu tư bất cứ dự án nào.

Đối với góc độ bảo vệ môi trường, một dự án bao giờ cũng phải làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thẩm định phê duyệt. Trong đó, một nội dung bắt buộc phải có là xem xét các khả năng xảy ra sự cố môi trường mà cháy nổ là khả năng sự cố môi trường số một cần được báo cáo, trong đó phải mô tả rõ công đoạn nào, hoạt động nào của nhà máy tiềm ẩn khả năng gây cháy nổ, nếu cháy nổ, phạm vi tác động ra sao, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp phòng chống, ngăn chặn tác hại của sự cố môi trường cháy nổ.

Cần thay đổi nhận thức của người dân về công tác PCCC

Ông Nguyễn Thế Đồng cho biết: Nếu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường trước khi có quyết định đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó phải mô tả rõ về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, mô tả rõ điạ điểm mình đặt dự án, mô tả rõ đối tượng lân cận khả năng nếu xảy ra sự cố môi trường thì bị tác động ra sao, nhận định được vấn đề môi trường chính, tác nhân gây ô nhiễm môi trường chính mà trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình có thể sinh ra và phải đánh giá được tác động của nó và đề ra giải pháp để ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Luật quy định rất cụ thể, nhà nước, cơ quan quản lý có thẩm quyền cho dự án hoạt động khi công trình đánh giá tác động môi trường hoàn thành và chạy thử nghiệm. Không ít doanh nghiệp trốn tránh thực hiện về trách nhiệm môi trường để tăng lợi nhuận, giảm chi phí cho môi trường, chi phí cho xử lý.

Phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, tập huấn PCCC cho người dân.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua nhà nước ban hành, bổ sung nhiều quy định về xử phạt, thanh tra, kiểm tra về môi trường. Với việc kiểm tra chặt chẽ của các tổ chức và đơn vị quản lý môi trường, cảnh sát môi trường thì các hiện tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo số liệu đánh giá thì đã giảm. Tôi hy vọng trong thời gian tới với quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường, quy định chặt chẽ hơn, quy định của người đứng đầu thì quy định của pháp luật sẽ được thực thi nghiêm túc hơn.

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, song hành với quá trình phát triển đô thị thì nguy cơ cháy nổ và tác động môi trường tăng lên rất nhiều. Về mặt quản lý nhà nước đã có bộ luật về PCCC, quy định trong Luật Xây dựng, quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế cho thấy các vụ cháy nổ vẫn xảy ra, thiệt hại lớn, còn nguyên nhân nằm ở đâu đó, có lỗ hổng trong pháp luật hay trong quá trình thực thi pháp luật, thực tế tất cả đô thị, một phần không nhỏ nó là khu dân cư hình thành rất lâu trước khi có Luật PCCC, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng. Những khu này, nhà xưởng họ xây dựng rất không ổn, nhưng nó là tồn tại lịch sử nên tôi nghĩ bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật đối với đô thị mới, thì đối với đô thị hình thành lâu rồi phải có giải pháp đặc thù, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến 4 cấp các loại dự án, trong đó có cấp dự án rất nhỏ có thể hộ gia đình thậm chí không phải Báo cáo đánh giá tác động môi trường, không phải đăng ký xả thải, phải đăng ký môi trường nó là cam kết môi trường trước đây, yếu tố đặc biệt quan trọng là ý thức nội tại và quy định nội tại của chủ căn hộ, chủ cơ sở đó.

Luật có rồi, để gây cháy nổ trách nhiệm đầu tiên là người chủ quản lý cơ sở đó, đối với sự vụ xảy ra vừa qua đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, hoặc cố tình vi phạm. Không thể ngay lập tức thay đổi hiện trạng, vẫn phải giáo dục, vẫn phải tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm pháp luật về PCCC và pháp luật về bảo vệ môi trường, nhận thức thay đổi, người dân tự giác hơn thì công tác PCCC và bảo vệ môi trường sẽ tốt hơn, ông Nguyễn Thế Đồng nhấn mạnh.

Giang Anh

Bài liên quan
  • Tọa đàm trực tuyến: “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị”
    Moitruong.net.vn – Chiều nay, ngày 26/5/2022, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị” tại Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng, tìm ra nguyên nhân, phân tích các bất cập trong công tác quản lý nhà nước và trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các giải pháp tổng thể trong phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các vụ cháy trong khu dân cư, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn về người và tài sản, đồng thời giảm thiểu những tác động đến môi trường từ những sự cố cháy nổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng: Muốn hạn chế cháy nổ phải thay đổi nhận thức của người dân