Tiêu xương hàm nguy hiểm như thế nào?

Linh Chi|09/11/2022 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của việc mất răng chính là tình trạng tiêu xương hàm là hiện tượng suy giảm xương ổ răng và phần xương xung quanh chân răng.

rang.jpg
Ảnh minh họa.

Tiêu xương hàm còn gọi là tiêu xương ổ răng là hiện tượng suy giảm xương ổ răng và phần xương xung quanh chân răng. Biểu hiện rõ rệt nhất là sự thiếu hụt về chiều cao, mật độ, số lượng và thể tích xương. Tình trạng tiêu xương có thể xảy ra ở cả hàm trên và hàm dưới gây ảnh hưởng rất lớn đến khớp cắn và cấu trúc khuôn mặt.

Ban đầu bệnh tiêu xương có thể chỉ xuất hiện tại một vị trí trên cung hàm nhưng lâu dần sẽ tiến triển nặng hơn và lây lan sang các vùng xương kế cận. Từ đó gây ra nhiều hậu quả đáng lo ngại cho sức khỏe răng miệng và cơ thể.

Xương hàm bao gồm xương hàm trên và xương hàm dưới, thuộc khối xương mặt. Trong đó, xương hàm trên gồm hai xương đối xứng qua một mặt phẳng dọc chính giữa, tiếp khớp với xương khác để cùng tạo thành ổ mắt, hốc mũi, xoang hàm, vòm miệng và nền sọ. Xương hàm trên là xương xốp. Còn xương hàm dưới là xương thấp nhất, lớn nhất và khỏe nhất trong hệ xương mặt. Ngoài ra, xương hàm dưới còn là xương duy nhất của hộp sọ có thể cử động được.

Trong khi xương hàm trên chịu tác động lớn khi cắn, thì xương hàm dưới có vai trò quan trọng trong việc ăn, nhai. Cả hai xương đều khá mềm nên dễ bị tiêu khi bị vi khuẩn xâm nhập hoặc có khoảng trống (sau khi mất răng).

Hệ quả khi bị tiêu xương ổ răng

Tình trạng tiêu xương răng có thể gây ra khá nhiều vấn đề răng miệng cũng như thẩm mỹ của khuôn mặt. Những hệ quả khi bị tiêu xương ổ răng là:

Tụt nướu: xương ổ răng bị tiêu khiến chiều cao và độ rộng thành xương giảm, không còn nâng đỡ được nướu nên nướu bị tụt thấp, bờ nướu mỏng dần, lộ ra phần chân răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào phần bên trong chân răng và nướu. Điều này khiến khoảng nướu bị tiêu xương trũng xuống, gây mất thẩm mỹ cho vị trí bị tiêu xương chân răng;

Di răng: tình trạng di răng có biểu hiện là các răng trên và kề cận vùng tiêu xương bị di lệch sang vị trí kế cận, làm răng xô lệch, nghiêng vẹo mất thẩm mỹ và yếu hơn bình thường, gây ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai;

Tiêu xương hàm: hệ quả tất yếu của tiêu xương răng là tiêu xương hàm, bao gồm cả tiêu xương hàm trên và tiêu xương hàm dưới, làm thay đổi kích thước của hàm. Hiện tượng này thể hiện rõ nhất ở những người bị mất nhiều răng hoặc mất răng toàn hàm, người mang răng giả toàn hàm hoặc mang cầu răng;

Răng dễ bị lung lay: răng đứng thẳng và chắc chắn nhờ được xương hàm nâng đỡ. Khi xương bị tiêu và sụp xuống, chân răng sẽ bị lệch sang phần trống của xương bị mất, khiến răng bị xô lệch, dễ bị lung lay;

Suy giảm chức năng ăn nhai: tiêu xương ổ răng làm các răng xô lệch, yếu đi, quai hàm trũng gây nên lệch khớp cắn giữa hai hàm, lực cắn không đủ để nhai nghiền thức ăn. Điều này khiến bệnh nhân ăn nhai khó khăn và không được ngon miệng;

Móm và già nua sớm: khi xương hàm bị tiêu biến, nướu răng bị thu nhỏ lại làm má bị hóp vào trong, ảnh hưởng tới sự hài hòa về các bộ má, mũi, cằm trên cơ thể, khiến khuôn mặt trở nên già nua. Hệ quả này thể hiện rõ ở những bệnh nhân bị tiêu xương toàn hàm;

Cản trở cho việc phục hình răng: do răng di lệch, xương hàm ở khoảng lợi bị tiêu xương trũng xuống nên rất khó trồng lại răng.

Để tránh rơi vào trường hợp bị tiêu xương răng, ngay từ đầu mỗi người cần giữ sức khỏe răng miệng thật tốt. Tốt nhất nên thực hiện lấy cao răng định kỳ và tránh nguy cơ mất răng. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu ban đầu của viêm nướu thì nên thực hiện điều trị sớm. Đặc biệt, khi bị mất răng nên trồng lại bằng biện pháp ngăn ngừa tiêu xương, đó là cấy ghép Implant.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu xương hàm nguy hiểm như thế nào?