Tìm giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh

Mi Mi (TH)|16/06/2017 09:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vườn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng già tại Quảng Nam

(Moitruong.net.vn) – Mới đây, tại thành phố Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh”. Đây là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017.

Tại hội thảo, lãnh đạo 2 địa phương Kon Tum và Quảng Nam và các nhà khoa học chỉ ra rằng, diện tích trồng sâm quá ít và manh mún. Chất lượng sâm và chất lượng nguồn giống chưa được kiểm soát. Nạn sâm giả tràn lan làm ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia.

Theo đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2020, diện tích quy hoạch trồng sâm tại Kon Tum và Quảng Nam là 45 ngàn héc-ta. Cùng với đó, áp dụng khoa học công nghệ vào việc nhân giống, trồng sâm và chế biến chuyên sâu.

Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng về nuôi trồng, nghiên cứu, phát triển cây sâm và đề xuất các chính sách đặc thù, giải pháp thiết thực phát triển sâm Ngọc Linh thành cây kinh tế mũi nhọn; Phát triển các sản phẩm từ cây sâm Việt Nam thành hàng hóa có tính cạnh tranh, nhất là sau khi Sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam: “Để bảo vệ sâm Ngọc Linh, những gì thuộc về công nghệ thì cần giữ gìn, không thể thương mại. Sâm Ngọc Linh đã có chỉ dẫn địa lý, là sản phẩm quốc gia, điều đó khẳng định vị trí của cây sâm Ngọc Linh. Nhưng làm thế nào để sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia thật sư đòi hỏi bước đi, cách làm cho hợp lý”.

Cây sâm Ngọc Linh là cây thuốc đặc hữu của Việt Nam, được xếp vào một trong năm loại sâm tốt nhất thế giới và có nhiều công dụng quý đối với sức khỏe cộng đồng và có giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã quan tâm, đầu tư cho cây sâm Ngọc Linh, tuy nhiên đến nay, việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng.

Do đó, Bộ Y tế sẽ khẩn trương xây dựng và bổ sung các chính sách tạo điều kiện cho việc sản xuất, đăng ký lưu hành, thử nghiệm lâm sàng, đấu thầu, thanh toán bảo hiểm y tế đối với cây sâm và thuốc từ sâm Ngọc Linh; Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng giống, loài sâm Ngọc Linh nhằm phát hiện giống, loài giả, không đạt tiêu chuẩn; Xây dựng các chuyên luận về tiêu chuẩn chất lượng của giống sâm Ngọc Linh và các chế phẩm từ sâm Ngọc Linh để làm cơ sở cho các đơn vị trong quá trình phát triển sản phẩm và kiểm soát chất lượng sản phẩm; Tăng cường tổ chức quảng bá cho sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.

Mi Mi (TH)

Bài liên quan
  • Quảng Nam có 93 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở
    Theo Đề án phòng chống thiên tai của tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có đến 93 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tập trung ở miền núi, ven sông, ven biển. Trong đó, nguy cơ rủi ro sạt lở đất đối với người dân ở khu vực miền núi đang ở mức báo động cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tìm giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.