Sáng 4/9, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã lập các chốt chặn và cách ly một phần thôn 7 với hơn 300 hộ của xã Cư Êbur sau khi phát hiện ca mắc bạch hầu đầu tiên.
Trước đó, tại thôn 7, xã Cư Êbur ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Bệnh nhân là bé trai Y.M.E (3 tuổi, dân tộc Ê đê). Sáng 29/8, bé này có biểu hiện sốt cao, được gia đình đưa đến khám tại một phòng khám tư nhân và được bác sĩ chẩn đoán viêm amidal mủ, kê toa thuốc về nhà uống nhưng bệnh không giảm.
Đến ngày 1/9, gia đình đưa bé Y.M.E đến khám tại Bệnh viện đa khoa TP.Buôn Ma Thuột, được chỉ định nhập viện điều trị với chẩn đoán theo dõi bạch hầu. Tối 2/9, bé được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
Cơ quan chức năng lập chốt chặn, cách ly các hộ dân trong khu vực có người dương tính với bạch hầu.
Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xác định bé Y.M.E dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Ngay sau khi có thông tin ca bệnh, Trung tâm y tế TP.Buôn Ma Thuột tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng ổ dịch, lấy mẫu để xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, triển khai phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ thôn 7, xã Cư Êbur và trường mầm non nơi cháu Y.M.E theo học; tổ chức cấp kháng sinh dự phòng cho người dân thôn 7 và các học sinh học cùng lớp với bệnh nhân. Đồng thời tiến hành điều tra, lập danh sách tất cả những người từ 49 tháng tuổi trở lên trên địa bàn xã Cư Êbur để triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Tại Đăk Lăk, dịch bạch hầu bùng phát đầu tiên tại huyện Lăk hồi tháng 7. Đến nay tỉnh này ghi nhận 41 ca bệnh ở 15 xã thuộc 6 huyện, thành phố.
Từ đầu năm đến nay, Tây Nguyên ghi nhận hơn 150 ca dương tính bạch hầu, trong đó 3 ca tử vong. Gia Lai hôm qua xuất hiện thêm 3 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm tỉnh này lên 38. Tỉnh Đăk Nông ghi nhận 39 ca, hơn một tháng qua không phát hiện ca nhiễm mới.
Hoàng An