Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, đến hết năm 2019, các mỏ lộ thiên ở khu vực Hòn Gai (Quảng Ninh) dứt điểm đóng cửa để phục hồi môi trường.
Đây cũng là một trong những nội dung nằm trong Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016.
Theo quyết định 403, năm 2020 đối với bể than Đông Bắc sẽ kết thúc khai thác và thực hiện 33 đề án. Trong đó, Cẩm Phả 17 đề án, Hòn Gai 8 đề án, Uông Bí 8 đề án.
Ông Nguyễn Văn Đọc cho biết: “Tỉnh Quảng Ninh đang phát triển từ nâu sang xanh, chính vì vậy rất cần sự hợp tác của ngành than. Thời gian qua Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có những sự hợp tác cùng với tỉnh rất đáng ghi nhận. Điển hình như việc di dời Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng, hoàn nguyên các bãi thải mỏ”.
Được biết, năm 2014 TKV đã tiến hành đóng cửa 3 mỏ lộ thiên là Đèo Nai, Hà Tu, Núi Béo để chuyển sang khai thác hầm lò để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tối đa tài nguyên.
Ông Đặng Huy Hậu – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy du lịch, dịch vụ làm trọng tâm. Việc này đã được tỉnh cụ thể hóa bằng việc đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại đồng bộ, kêu gọi đầu tư các hệ thống khách sạn, khu vui chơi đẳng cấp quốc tế trên địa bàn.
“Đến thành phố du lịch mà để bụi bặm là không thể chấp nhận được. Vì thế tỉnh đã phối hợp với ngành than đóng các mỏ lộ thiên để phục hồi môi trường, đồng thời vận động ngành than chuyển đổi từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò với công nghệ cao” – ông Hậu cho biết thêm.
Khai thác than lộ thiên tàn phá môi trường
Theo nhiều chuyên gia, mỏ than lộ thiên cực kỳ dễ khai thác khi chỉ cần bóc hết lớp đất đá bề mặt là có thể tận thu. Vì vậy, cung độ vận tải ngày càng tăng, chiều cao nâng tải lớn, hệ số bóc ngày càng cao, để bốc 1 tấn than nguyên khai thì phải bóc 10-12m3 đất đá nên mức độ an toàn càng giảm dần.
Khi các mỏ than lộ thiên bị bốc đi, không còn gì ở vùng đất này ngoài những núi đất thải, đá thải, xỉ thải khổng lồ tạo nên những quả đồi nhân tạo: Cọc Sáu cao 280m, nam Đèo Nai cao 200m, đông Cao Sơn cao 250m và đông bắc Bàng Nâu cao 150m…
Đến thời điểm này, nhiều mỏ lộ thiên tại Cẩm Phả đã âm ở mức quá giới hạn cho phép là -300m (so với mặt biển), nhưng vẫn khoan thăm dò khai thác, gây ra những tác hại về cấu tạo địa chất, làm tiền đề cho những thảm họa khác như lở đất, nhiễm mặn và biến đổi sinh thái.
Ngọc Linh (t/h)