TP.Hà Nội: Lắp đặt nhà vệ sinh công cộng-Chậm tiến độ vì còn vướng mắc

Theo LĐTĐ|15/09/2017 15:47
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thiếu sát sao từ địa phương

(Moitruong.net.vn) – Để từng bước cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn, TP.Hà Nội đã quyết định thực hiện dự án xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng (NVSCC). Tuy nhiên, sau gần 1 năm triển khai, tiến độ dự án đã không theo kịp kế hoạch đề ra.

Cuối năm 2016, cụ thể hóa quyết tâm xây dựng văn minh đô thị của Thủ đô, UBND TP.Hà Nội đã quyết định cho Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing) xây dựng và triển khai 1.000 NVSCC trên địa bàn. Đổi lại, công ty này được cho phép quảng cáo ở một số khu vực theo quy định.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2017, chủ đầu tư sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng 250 NVSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc nằm trong tổng dự án NVSCC. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố mới chỉ có 120 NVSCC đã được lắp đặt, trong đó có 98 NVSCC được bàn giao và đưa vào sử dụng, tiến độ không đạt theo kế hoạch đề ra.

nvs cc

Nhà vệ sinh công cộng công nghệ mới được đưa vào sử dụng tại vườn hoa Pasteur, quận Hai Bà Trưng

Lý giải cho sự chậm trễ này, theo ông Lê Đức Thùy, Trưởng Ban quản lý Dự án, Công ty Vinasing, việc lắp đặt NVSCC đang phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn nhất là địa phương chưa hợp tác tích cực để giải phóng và bàn giao mặt bằng. “Đến ngày 20/8/2017, sau 3 ngày cùng với Ban Duy tu các công trình Hạ tầng kỹ thuật và lãnh đạo các quận nội thành tiến hành rà soát cũng mới chỉ xác định được 36 vị trí. Trong đó, chính thức có biên bản bàn giao là 27 vị trí, ngoài ra vẫn còn chờ lấy ý kiến của cán bộ và nhân dân trên địa bàn” – ông Thùy cho biết thêm.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến gây lãng phí và ảnh hưởng đến tiến độ dự án đó là không ít vị trí đã thi công hoàn thiện vẫn bị người dân phản ứng yêu cầu di dời, thậm chí đập phá, buộc chủ đầu tư phải dừng thi công. Cụ thể như tại các vị trí Trường Tiểu học Phú La (quận Hà Đông); Phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); khu vực quanh hồ Hào Nam (quận Đống Đa)… Thậm chí có nơi đơn vị phải chuyển đổi tới 3 lần mới thi công xong như tại đường Văn Cao; đường hoa ven Hồ Tây…

Điện, nước cũng thiếu

Sau gần 1 năm triển khai, hàng loạt NVSCC mẫu mới đã được lắp đặt tại một số tuyến đường, tuy nhiên trong số đó có rất nhiều NVSCC luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài. Thực tế này diễn ra tại một số tuyến phố như Láng Hạ, Nguyễn Khánh Toàn… thậm chí có nơi người dân phải quây bạt bên cạnh NVSCC để giải quyết nhu cầu như trên đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là vì nguồn điện, nước cung cấp cho các NVSCC khiến đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Theo ông Lê Đức Thùy, có những nhà vệ sinh kinh phí xây dựng khoảng 150-200 triệu đồng, riêng tiền điện nước đã lên tới khoảng 100 triệu đồng. “Để khắc phục, công ty đã báo cáo xin ý kiến thành phố cho lắp đặt hệ thống pin mặt trời với mong muốn tự cấp điện cho các NVSCC. Bên cạnh đó, công ty cũng gặp khó khăn trong việc liên hệ với đơn vị cung ứng nước sạch, đơn cử như trường hợp các NVSCC trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, phải qua nhiều lần làm việc, đơn vị thi công mới tìm được nhà cung cấp đồng ý cấp nước cho 9 NVSCC ở đây” – ông Lê Đức Thùy cho hay.

Việc thực hiện dự án lắp đặt 1.000 NVSCC là một chủ trương đúng đắn của thành phố và hợp lòng dân. Tuy nhiên, sự ám ảnh của các nhà vệ sinh cũ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân khi triển khai các NVSCC mới. Do đó, trong quá trình thi công, triển khai cần tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong khu vực. Ngoài ra, việc vận hành NVSCC phải tuyệt đối đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây phiền hà cho người dân trong khu vực.

Theo LĐTĐ


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.Hà Nội: Lắp đặt nhà vệ sinh công cộng-Chậm tiến độ vì còn vướng mắc