(Moitruong.net.vn) –Tại Hà Nội, sau khi phun thuốc diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết, ở một số khu vực, nhiều người dân đã có hiện tượng bị dị ứng mẩn ngứa, cay mắt.
Thuốc diệt muỗi có thể gây ngộ độc nhưng tỷ lệ rất nhỏ
Ảnh hưởng sau phun thuốc diệt muỗi
Ngày 15/8, một số phụ huynh học sinh trường THCS Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) phản ánh về việc con bị dị ứng hóa chất phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết tại nhà trường, nên phải nghỉ học.
Ngay sau khi có thông tin từ bậc phụ huynh về trẻ bị “ngộ độc” thuốc diệt muỗi từ trường, Trường THCS Quang Trung đã có thông báo gửi tới phụ huynh học sinh với nội dung như sau: “Nếu học sinh nào mẩn ngứa nhiều cô giáo cho nghỉ học buổi chiều. Bố mẹ tra thuốc mắt cho các con. Nếu ngứa thì chườm đá! Trong trường hợp mẩn mề đay thì cho uống thuốc dị ứng! Rất mong các vị phụ huynh thông cảm và theo dõi sức khỏe của các con”.
Cùng ngày, đại diện ban lãnh đạo nhà trường cũng xác nhận có một vài trường hợp học sinh bị dị ứng thuốc muỗi. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Tùng – Phó hiệu trưởng, phụ trách Trường THCS Quang Trung: “Thứ 2 đầu tuần (14/8) khi các em đi học buổi sáng sau đó, tại lớp 9A4 và 7G2 có khoảng 10 em học sinh bị dị ứng, ngứa tay hoặc cay mắt. Ngay lập tức tôi cùng với giáo viên chủ nhiệm đến kiểm tra tình hình và gọi điện thông báo cho phụ huynh các em.
Trước đó, chiều thứ Sáu tuần trước (11/8) nhà trường tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại tất cả các phòng học để chống dịch sốt xuất huyết. Đơn vị phun thuốc diệt muỗi là đơn vị có uy tín và sau khi phun thuốc diệt muỗi xong khoảng một tiếng đồng hồ nhà trường đã mở cửa sổ và tổ nhân viên vệ sinh đã lau chùi, dọn dẹp trường lớp cẩn thận. Có thể, trong lúc phun vì nhân viên phun vệ sinh đã tính toán, phun kỹ từng góc cạnh nên vẫn còn lưu thuốc lại.
Không chỉ riêng ở trường, chị Nguyễn Thị Hà trú tại Đống Đa, Hà Nội cũng cho biết, tuần trước nhà chị đã gọi một đơn vị chuyên phun thuốc muỗi về để phun thuốc diệt muỗi khắp nhà. Sau khi phun xong đóng cửa đi ra ngoài. Khoảng hơn tiếng sau, chị Hà và con gái mới mở cửa nhà một lúc và đi vào nhà.
Lúc này, chị Hà thấy người hơi ngứa nên chị đi tắm là hết. Tuy nhiên, cô con gái 3 tuổi của chị Hà bị dị ứng nặng cháu ngứa ngáy, mặt mũi sưng vù, khóc lóc khó chịu. Ngay 7h30 tối, vợ chồng chị phải đưa con đi khám bác sĩ. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị dị ứng phải uống thuốc dị ứng và thuốc giải độc.
Cần xem xét cẩn thận
Theo PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thuốc diệt muỗi cũng có 1 tỷ lệ rất nhỏ có thể gây dị ứng như mẩn ngứa, cay mắt. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất hiếm.
PGS Phu cho biết, thông thường việc phun thuốc muỗi sau khi phun xong khoảng 1 tiếng đồng hồ mới đi vào nhà để tránh dị ứng với thuốc diệt muỗi.
Điều đặc biệt, PGS phu cho biết hiện nay dịch sốt xuất huyết đang “nóng”, nhiều người dân lo ngại đã tự ý mua thuốc muỗi diệt muỗi về phun. Chính vì thể, có nhiều cơ sở đã lợi dụng lúc người dân có nhu cầu thường lấy danh của cơ sở y tế này, cơ sở y tế kia đến phun dịch vụ cho người dân.
Do đó, nhiều người không quan tâm thuốc có thành phần gì, có xuất xứ từ đâu và có an toàn cho sức khỏe hay không.
Điều này khá nguy hiểm do việc phun thuốc phải đảm bảo đúng liều lượng và quy trình mới phát huy tác dụng. Nếu phun thuốc không đúng chủng loại, phun quá liều hoặc người phun không có dụng cụ bảo hộ đầy đủ sẽ rất dễ dẫn đến dị ứng, ngộ độc thuốc, gây hại cho bản thân mình và những người thân trong gia đình.
Với trường hợp gây dị ứng nhiều người, theo PGS Phu cần xem xét kỹ lại hoá chất sử dụng phun muỗi có thành phần gì gây dị ứng.
Khi bị dị ứng như ngứa, cay mắt, PGS Phu cho biết người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì chỉ một lúc là nó sẽ tự hết hoặc có thể rửa bằng xà phòng sạch là sẽ hết dị ứng không cần phải đến các cơ sở y tế.
P.Thúy (Infornet)