TP.HCM: 1,5 triệu tấn bùn đổ đi đâu?

PV (Tổng hợp)|04/05/2017 03:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – 1,5 triệu m3 bùn (tương đương 1,5 triệu tấn bùn) thải phát sinh từ các công trình thi công dự án chống ngập triều khu vực TP.HCM do Công ty TNHH Trung Nam BT 154 đầu tư.  Đây là dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng và lượng bùn thải phát sinh quá lớn vẫn chưa biết xử lý ra sao.

1,5 triệu tấn bùn phát sinh từ dự án chống ngập triều khu vực TP.HCM chưa biết đổ đi đâu

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này, bùn thải phát sinh từ việc nạo vét, đào móng… của dự án ngăn triều lên đến 1,5 triệu tấn. Tại chương 4 ĐTM được phê duyệt của dự án nêu rõ: “Lượng bùn thải phát sinh từ quá trình nạo vét phải được hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom và vận chuyển đến nơi quy định. Dự kiến lượng bùn nạo vét sẽ được vận chuyển về bãi chứa Đa Phước, thuộc xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM”.

Tuy nhiên, đại diện đơn vị xử lý bùn ở bãi Đa Phước cho biết, đến nay họ vẫn chưa từng tiếp nhận tấn bùn nào từ dự án ngăn triều. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tâm Tiến ( giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 154) cho biết, các đơn vị liên quan vẫn chưa thống nhất được hướng xử lý đối với toàn bộ lượng bùn phát sinh từ dự án. Trong khi đó, lượng bùn phát sinh từ lúc khởi công cho đến thời điểm này ước khoảng 430.000m3 được đổ tại các bãi thải ở hai 
huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Nguyên nhân bùn thải phát sinh từ dự án ngăn triều đến nay vẫn chưa được đưa về bãi Đa Phước để xử lý là do bất đồng chi phí xử lý bùn giữa các đơn vị liên quan. Cụ thể, Công ty Trung Nam cho rằng đây là bùn không nguy hại nên không phải tốn chi phí xử lý. Trong khi đó, Công ty Sài Gòn Xanh (đơn vị xử lý bùn ở bãi Đa Phước) lại cho rằng bùn đưa về bãi để xử lý thì chủ nguồn thải phải trả tiền theo quy định. Và với bùn ô nhiễm thì xử lý theo giá bùn thải, bùn không ô nhiễm thì tính theo giá đào, chuyển, san ủi bùn đất ở bãi thải. Chính vì vậy mà 1,5 triệu tấn bùn vẫn còn nằm phân tán trên khu vực các hạng mục thi công của dự án.

Qua trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, cho biết: Về nguyên tắc, việc xử lý bùn thải từ các dự án phải tuân thủ theo phương án đã được phê duyệt của báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dù là bùn thải không nguy hại cũng phải được thu gom, xử lý theo quy trình đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Và Sở sẽ xem xét các quy định liên quan trước khi có ý kiến chính thức.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 được khởi công tháng 6/2016. Dự án có vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng do Công ty Trung Nam thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Dự án dự kiến kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Dự án được duyệt triển khai trong 36 tháng nhưng đơn vị chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công trong 24 tháng. Dự án triển khai trên địa bàn các quận 1, 4, 7, 8, hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh và giải tỏa, di dời hơn 300 hộ với hơn 1.500 dân.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, đây là dự án rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của TP.HCM. Đồng thời, ông Phong cũng hứa sẽ tạo điều kiện tốt nhất để công trình hoàn thành đúng tiến độ.

PV (Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP.HCM: 1,5 triệu tấn bùn đổ đi đâu?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.