Tại cuộc họp “nghe báo cáo tổng thể hệ thống quản lý chất thải rắn thành phố, các tồn tại và đề xuất giải pháp”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở TN-MT TP.HCM tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành có liên quan về các chính sách dự kiến hỗ trợ chuyển đổi hoạt động rác dân lập lên mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Trong đó, giao Cục thuế TP có ý kiến về chính sách thuế đối với hợp tác xã; Sở GD-ĐT có đề xuất về việc miễn giảm học phí cho con của người trực tiếp thu gom rác.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thống nhất đề xuất của Sở TN&MT về phân kỳ gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện đến năm 2025.
Các đơn vị rác dân lập cho biết hiện đang gặp khó khăn về kinh phí để mua sắm phương tiện.
Cụ thể, giai đoạn 2020-2021, 100% các quận nội thành và khuyến khích một số huyện ngoại thành hoàn tất công tác này, cụ thể với các nội dung như: Tập trung hoàn tất việc sắp xếp lại đường dây thu gom rác dân lập trong một năm để tránh việc đầu tư lãng phí nhiều thùng rác 660 lít dẫn đến không có chỗ để và đảm bảo hiệu quả đầu tư phương tiện. Xác định số phương tiện cần chuyển đổi; triển khai chuyển đổi phương tiện theo hình thức cuốn chiếu, đảm bảo hoàn tất trong một năm tiếp theo.
Giai đoạn 2022-2025, các huyện ngoại thành còn lại phải chuyển đổi phương tiện để đảm bảo hoàn tất công tác này trên toàn địa bàn TP.
Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở TN&MT tham mưu UBND TP ban hành nội dung chỉ đạo các quận, huyện về triển khai đề án chuyển đổi phương tiện và tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn – TNHH MTV (SAMCO) để nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác thu gom, trung chuyển, vận chuyển chất thải.
UBND TP cũng giao Sở Tài chính và Sở Kế hoạch – Đầu tư phối hợp xem xét cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ Bảo vệ môi trường để đảm bảo đủ nguồn tiền cho vay chuyển đổi phương tiện.
Mai Anh (t/h)