TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

Minh Hân|07/07/2021 13:08
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong 15 ngày, từ 0h ngày 9/7.

VIDEO: Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

Tại cuộc họp trực tuyến chiều 7/7 với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, nhận định TP đang trải qua cuộc chiến thật sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phòng chống dịch. Do đó, TP.HCM phải nâng cao các biện pháp phòng chống dịch.

Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, dù số ca nhiễm COVID-19 tại TP đang tăng nhanh nhưng TP đã chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống. Ông khẳng định đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng nên người dân không cần mua tích trữ, không tập trung đông người.

Ông mong muốn người dân hãy bình tĩnh, tin tưởng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của TP, chung sức chung lòng cùng chính quyền TP trong 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. “Nếu tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thì hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được đẩy lùi”, ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kêu gọi người dân TP bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và Thành phố. Ảnh: TTBC

Ông cũng chỉ đạo các sở ngành chỉ đạo tạm ngưng hoạt động các loại hình vận tải công cộng, xe hai bánh kết nối công nghệ với hành khách, xe ôm.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện nay số ca nhiễm COVID-19 tại thành phố tăng nhanh, tuy nhiên nguồn lực của thành phố vẫn đảm bảo, vì vậy thành phố đề nghị người dân không cần tích trữ hàng hóa, không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống.

UBND thành phố giao Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch tổ chức để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian thực hiện chỉ thị 16. Trong đó, tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch theo quy trình 5 bước của thành phố (xác định các mốc dịch tễ; bộ phận điều phối truy vết; triển khai truy vết F1; rà soát và hoàn tất danh sách F1; tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm).

Thành lập 22 đội truy vết dịch bệnh, mỗi đội từ 10-30 người tùy theo mức nguy cơ của từng địa phương và giao quyền chỉ đạo đội truy vết này cho các địa phương.

Tăng cường năng lực xét nghiệm, hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu toàn thành phố. Phát huy hiệu quả Trung tâm Điều phối xét nghiệm của thành phố và Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch.

Đồng thời, thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động vừa cách ly, vừa sản xuất.

Bên cạnh đó, UBND thành phố yêu cầu triển khai kế hoạch điều trị 10.000-20.000 ca nhiễm, theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế (cấp không triệu chứng, cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình và cấp điều trị bệnh nhân nặng).

Triển khai các giải pháp khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện trường hợp nhiễm.

Về hàng hóa, hiện nay thành phố đã tạm ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) và một số chợ truyền thống để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố vẫn được duy trì ổn định.

Thành phố giao Sở Công thương đẩy mạnh tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh…), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng…

Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM, từ ngày 27/4 đến 18h ngày 6/7, thành phố ghi nhận 7.385 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, trong đó có 45 bệnh nhân tử vong.

Minh Hân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7