TP HCM hướng đến xử lý chất thải rắn bằng công nghệ thông minh

26/11/2017 09:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sáng 26/11, UBND TP HCM tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ thông minh đốt – phát điện.

Bí thư Thành ủy TP HCM trao đổi với các nhà đầu tư xử lý chất thải

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và đại diện các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo 18 tỉnh thành khu vực phía Nam, các nhà khoa học và các nhà đầu tư tong nước và quốc tế trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn tham dự Hội nghị.

Hiện nay, TP HCM đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, mà một trong số đó là vấn đề xử lý rác thải đô thị với khối lượng lớn, thành phần và tính chất đa dạng. Công tác quản lý chất thải rắn đô thị trong những năm qua không còn đơn thuần là quản lý chất thải rắn sinh hoạt mà còn bao gồm vấn đề quản lý chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, xây dựng, y tế…

Theo nhiều chuyên gia, nếu TP HCM chuyển sang công nghệ đốt rác – phát điện sẽ góp phần giảm nhanh lượng rác thải, chống ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, tiết kiệm mặt bằng chôn lấp rác và thu được nguồn điện năng không nhỏ.

Hội nghị đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến để đốt chất thải rắn thành điện năng, công nghệ khí hoá lỏng, plasma… được áp dụng trên thế giới và Việt Nam.

Lãnh đạo TP HCM cũng giới thiệu một số chính sách ưu đãi về thuế đất, giá mua điện, về vốn vay, thuế thu nhập doanh nghiệp… nhằm tiếp nhận được các dự án có công nghệ tiên tiến để đấu thầu công khai, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết:“Vì vậy, TP HCM tạo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại, trong đó có công nghệ đốt – phát điện bằng các chính sách ưu đãi, lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu công khai, minh bạch”.

Hiện nay, 76% lượng chất thải rắn trên địa bàn TP HCM được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; 14,7% compost – tái chế nhựa, 9,3% đốt không phát điện. Mục tiêu đến năm 2020, TP.HCM giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%; đến năm 2025 còn 20%.

H.Thu (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP HCM hướng đến xử lý chất thải rắn bằng công nghệ thông minh