UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án "Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là bước khởi động quan trọng không thể thiếu để TP.HCM sớm trở thành khu công nghiệp y - dược tập trung đầu tiên của cả nước.
Theo đó, Khu công nghiệp chuyên ngành y dược sẽ được xây dựng tại Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 2, đóng trên đại bàn xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TP.HCM) với diện tích 338 ha. Nơi này có trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về lĩnh vực y dược, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm y dược và sản phẩm phụ trợ thuộc phân khúc kỹ thuật cao, trung tâm giao dịch sản phẩm.
Dự kiến, khu công nghiệp hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động từ năm 2030. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất.
Được biết, hiện TP.HCM có hơn 30 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP-WHO (hướng dẫn thực hành sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO). Những nhà máy này phân bố chủ yếu tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, chủ yếu sản xuất theo công thức từ những thuốc đã hết hạn bản quyền để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu (thuốc generic).
Ba năm qua Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc bởi gián đoạn nguồn cung ứng thuốc thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thuốc do hệ quả đại dịch Covid-19 và những bất ổn xung đột giữa một số nước. Đảm bảo an ninh dược phẩm trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực y tế.
Tháng 10 năm 2023, Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Việt Nam ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic dạng bào chế công nghệ cao, vaccine... Mục tiêu chuyển một phần từ sản xuất thuốc generic sang thuốc phát minh, đến năm 2030 Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc đạt khoảng một tỷ USD.
TP.HCM có những tiềm năng nhất định trong việc phát triển công nghiệp dược, là trung tâm giao thương ở khu vực phía Nam thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng thuốc đến các khu vực khác, tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm trên địa bàn thành phố luôn có sự tăng trưởng cao và chiếm tỈ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế dược của cả nước.
TP.HCM xác định công nghiệp dược là một trong những chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố.
Đề án "Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được xem là một chương trình hành động có tính chiến lược để đáp ứng yêu cầu hội nhập về phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật. Đồng thời, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về nâng cao sức khỏe nhân dân; tăng cường quản lý trong lĩnh vực y, dược trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Y tế TP.HCM, đề án này có 2 mục tiêu tổng quát. Cụ thể:
Thứ nhất, chú trọng chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và thiết bị y tế, đặc biệt ưu tiên sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật cao, sản xuất vắc-xin, sinh phẩm, các thuốc mới, thuốc phát minh để đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh trong nước, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu với lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá.
Thứ 2, hình thành và phát triển khu công nghiệp chuyên ngành y - dược tại TP.HCM.
Sở Y tế TP.HCM cho biết đã quy hoạch khu công nghiệp chuyên ngành y - dược tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 với diện tích 338 ha (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).
Khu công nghiệp chuyên ngành y - dược sẽ có các chức năng chính gồm: Trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về lĩnh vực y dược; tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuyên ngành y - dược và sản phẩm phụ trợ thuộc phân khúc kỹ thuật cao; trung tâm giao dịch về các sản phẩm chuyên ngành y - dược và sản phẩm phụ trợ.
Thời gian qua, TP.HCM cũng đã làm việc với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Chương trình 376 để đạt được sự đồng thuận và đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án khu công nghiệp chuyên ngành y - dược thuộc các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư quy định tại Quyết định số 376/QĐ-TTg. Dự kiến khu công nghiệp chuyên ngành y - dược sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động từ năm 2030 với các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ và TP.HCM.