TP. Hồ Chí Minh: Cần làm gì trước tình trạng ngập, lún, nước biển dâng?

Lê Nhy (T/h)|08/11/2019 00:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nghiên cứu mới nhất của Climate Central chỉ ra rằng đến năm 2050, phần lớn miền Nam VN, trong đó có diện tích không nhỏ của TP.HCM sẽ chìm trong nước biển.

Tổ chức khoa học Climate Central thực cảnh báo phần lớn ĐBSCL chịu tác động của triều cường vào năm 2050. Điều này gây lo lắng cho rất nhiều người dân tại TP.HCM cũng như các tỉnh ĐBSCL.

Tình trạng ngập lụt thời gian tới sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và triều cường. Tổ chức này đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản 1, nếu lượng mưa 100 mm sẽ khiến khu vực ngoại thành như: các quận 7, 9, 12, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn bị ngập úng. Kịch bản 2, khi triều cường đạt đỉnh 1,68 m như thời gian qua thì khu vực Q.7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh sẽ bị ngập. Kịch bản 3, kết hợp mưa và triều cường, xả lũ hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng thì 64% diện tích bị chìm trong biển nước, thậm chí khu vực trung tâm sẽ bị ngập lên đến 6 giờ.

Đã đến lúc TP.HCM cần tính quy hoạch sống chung với nước

Cần quy hoạch sống chung với nước

Theo TS Dương Văn Ni, những dự báo về tình trạng sụt lún, nước biển dâng sẽ nhấn chìm ĐBSCL hay TP.HCM trong vài chục năm tới thật sự đáng lo ngại, nhưng lại đang “lo ngại” sai cách. Cụ thể, xu hướng chống ngập tại TP.HCM hiện nay vẫn là đắp đê ngăn nước, làm các biện pháp công trình với mục tiêu “hong khô” tất cả các điểm ngập. Lãnh đạo TP luôn bày tỏ kỳ vọng kiểm soát ngập có hiệu quả nhưng thực tế, tất cả biện pháp công trình đều không còn hiệu quả nữa, và vô cùng tốn kém.

“Trước đây, Mỹ đã nhiều năm chạy theo, nghiên cứu các thành tựu kỹ thuật với niềm tin con người có thể chế ngự được thiên nhiên. Cho đến năm 2005, khi bão Katrina đã phá hủy hàng loạt hệ thống đê đập ngăn lũ tại New Orleans của Mỹ và khu vực ngoại ô thành phố khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, họ đã phải chấp nhận chịu thua ông trời.

Chính quyền Mỹ sau đó đã phải chính thức tuyên bố “Đây là khu vực ngập”, không cấm nhưng sẽ không bán bảo hiểm ngập cho bất cứ người dân nào mua nhà và sinh sống tại đây. Nói vậy để thấy, đã đến lúc TP.HCM cần có nghiên cứu bài bản, cho ra những con số chính thức và tính đến chuyện quy hoạch sống chung với nước. Trong đó, chỉ rõ những vùng chấp nhận chịu ngập để người dân có kế hoạch thích nghi, thích ứng. Những khu vực trọng yếu có thể giữ sẽ được tập trung kinh phí, bao đê quyết liệt, bảo đảm 100% không ngập”, ông Ni đề xuất.

Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của TS Nguyễn Xuân Thuyên trong nhiều năm nghiên cứu tìm cách giúp TP.HCM và ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông Thuyên, biến đổi khí hậu không chỉ diễn ra tại VN mà có tác động đến toàn thế giới và chúng ta không thể kiểm soát hay chống lại tự nhiên. Trước thiên tai, con người phải xác định chỉ có thể xây dựng phương án dự phòng bằng cách tích hợp nhiều giải pháp. Nhưng xuyên suốt phải theo tôn chỉ thích ứng, thích nghi chứ không chống lại tự nhiên.

Mới đây, chính phủ Indonesia vừa công bố kế hoạch dời thủ đô sang tỉnh Đông Kalimantan vào năm 2024 vì đô thị hiện hữu đã quá chật chội, không còn đủ khả năng đối phó với ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm… Hàn Quốc và Thái Lan cũng có chung ý định. Điều đó cho thấy các nước đã nhận ra rằng nếu cứ đổ tiền vào các công trình hàng trăm, nghìn tỉ để chống ngập thì cũng coi như đổ xuống sông, xuống biển. Cần có cái nhìn xa hơn, xây dựng nhiều kịch bản ứng phó khác nhau, thích nghi với điều kiện thay đổi khí hậu thực tế. Trong đó, phải tính đến chuyện tích lũy đầu tư xây dựng các khu đô thị mới để lùi lại, nhường bước trước tự nhiên.

Muốn như vậy, lãnh đạo, các cơ quan quy hoạch cần xem xét lại tất cả quy hoạch và phải có lựa chọn. Cần đặt trong bài toán tổng thể để trả lời một loạt các câu hỏi: Bỏ ra hàng nghìn tỉ làm đê, đắp đập thì những công trình này có thích ứng được với kịch bản biến đổi khí hậu xấu nhất hay không? Hạn sử dụng các công trình này trong bao lâu? Số tiền bỏ ra có tương xứng hay không? Trong trường hợp không thể chống ngập thì phương án dự phòng cho người dân ở khu vực đó thế nào? Nếu phải dời đi, họ sẽ đi đâu, tiền ở đâu để đảm bảo đời sống của người dân trong hoàn cảnh đó?…

“Có rất nhiều nghiên cứu, nhưng mỗi nhà khoa học có phương pháp, đáp án khác nhau. Họ cũng không thể có đủ điều kiện để cho ra bức tranh tổng thể về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cũng như thầy bói xem voi vậy. Vấn đề đầu tư nghiên cứu, quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cần làm nhanh, làm ngay, không thể chậm trễ hơn được nữa”, ông Thuyên nhấn mạnh.

Lê Nhy (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Cần làm gì trước tình trạng ngập, lún, nước biển dâng?