TP. Hồ Chí Minh đề xuất thu phí kiểm định khí thải xe máy 50.000 đồng/xe/năm

Quỳnh Trang|09/12/2020 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo đề án kiểm soát khí thải xe máy giai đoạn 2022-2023, kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành với phí 50.000 đồng/xe/năm; miễn phí kiểm tra cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Ngày 8/12, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy, và Viện Khoa học Công nghệ Giao thông (Bộ GTVT) đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên đại bàn TP.HCM”.

Đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP HCM” còn nặng về lý thuyết hơn là thực tiễn, vấn đề chính sách đặt ra cho phù hợp với lòng dân và phải đảm bảo lợi ích cho nhân dân. Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đặt ra tại hội nghị.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, tổng chi phí dự kiến thực hiện đề án là 553 tỉ đồng với lộ trình chia làm 4 giai đoạn. Cụ thể là năm 2021 bắt đầu tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn về chính sách kiểm soát khí thải, đầu tư 88 trạm kiểm định.

Giai đoạn 2022 – 2023 duy trì 88 trạm kiểm định và thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu, đồng thời thu phí 50.000 đồng/xe/năm đối với các xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên.

Từ năm 2024 – 2025 tăng thêm 78 trạm kiểm định và từ năm 2026 trở đi thực hiện kiểm soát khí thải đối với tất cả các xe gắn máy tại 13 quận trung tâm.

Lượng xe máy cũ tại TP.HCM chiếm tới 67.89%. (Ảnh minh họa: Internet)

Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng việc xây dựng đề án là cần thiết nhưng đem lại hiệu quả gì thì chưa được đánh giá rõ ràng, không thuyết minh được lộ trình đầu tư nhằm đảm bảo tiết kiệm tối đa ngân sách.

Việc giảm khí thải ô nhiễm ra môi trường là vấn đề bức xúc, liên quan đến đời sống nhân dân, song đề án nêu số lượng xe gắn máy lưu thông trên địa bàn gần 8 triệu chiếc là chưa chính xác, vì chưa thống kê số xe đăng ký ngoài tỉnh, cũng như xe của lực lượng công an, quân đội… dẫn đến chưa đủ độ tin cậy và chưa có tính thuyết phục cao.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, mẫu thí điểm vừa qua còn quá ít. Để tăng tính tin cậy cho đề án, đề nghị đơn vị nghiên cứu cần nghiên cứu trên ít nhất từ 5-10%/ tổng 7 triệu xe máy đang lưu hành ở TP. Nói về giải pháp, lộ trình đề án đưa ra vẫn quá dài hơi và tốn kém.

Đồng tình, Luật sư Trương Thị Hoà đề xuất thêm: Sở Giao thông Vận tải cần cung cấp thông tin cho người dân nắm rõ công tác triển khai trong những năm qua, ở các nước trên thế giới, tác dụng của kiểm định khí thải xe máy. Lộ trình cụ thể, chi tiết hơn nữa, bổ sung giải pháp đối với ô tô như thế nào?

Luật sư Hoà cũng kiến nghị làm rõ cơ sở pháp lý, chính sách đối với người nghèo mà xe máy là phương tiện mưu sinh.

Ông Bùi Hoà An – Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Chúng tôi thừa nhận số liệu nghiên cứu ít, việc đếm phương tiện tỉnh và thành phố trên đề án có sự khập khiễng như các đại biểu chỉ ra, chúng tôi sẽ tiếp thu, bổ sung và chỉnh sửa”.

Theo Sở GTVT, do xe máy ở TP.HCM chiếm 90% về số lượng trong tổng số xe cơ giới nên đã thải ra một số lượng lớn các chất độc hại như Nox, CO, NMVO, SO2, CH4.

Số liệu của Sở GTVT cho thấy, lượng xe máy trên địa bàn thành phố đến tháng 9/2020 là 7.408.124 xe máy các loại. Lượng xe máy cũ tại TP.HCM chiếm tới 67.89%.

Theo Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại thành phố được xác định có 3 nguồn, gồm khí thải từ các phương tiện giao thông; tiếp theo là do khí thải từ hoạt động sản xuất và bụi từ hoạt động xây dựng.

Theo phân tích của lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM, ngoài lượng xe máy đăng ký tại thành phố, còn một lượng lớn phương tiện của người dân ở các tỉnh, thành khác đưa vào phục vụ nhu cầu sống, làm việc, học tập.

Với con số bình quân mỗi năm thành phố tăng dân số cơ học 200 nghìn người, những năm qua, đã có cả triệu xe máy từ các tỉnh, thành khác được đưa về thành phố sử dụng. Trong vài triệu xe máy đang sử dụng hàng ngày tại thành phố hiện nay, có không ít phương tiện cá nhân không thực hiện các chế độ bảo hành, bảo dưỡng.

Trong khi đó, tại thành phố còn nhiều đoạn đường, giao lộ thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, dồn ứ phương tiện, đây là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cục bộ ở từng khu vực.

Quỳnh Trang

Bài liên quan
  • Đề xuất kiểm định khí thải tất cả xe gắn máy
    Moitruong.net.vn – Theo chuyên gia không khí, xe máy là nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí ở TP.HCM, do đó, cần kiểm định khí thải xe máy; buộc ngưng hoạt động với xe cà tàng, xe mù để hạn chế gây ô nhiễm không khí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh đề xuất thu phí kiểm định khí thải xe máy 50.000 đồng/xe/năm