TP Hồ Chí Minh: Hàng trăm ngàn hộ dân không chịu dùng nước sạch

Minh Anh (T/h)|22/10/2019 07:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hơn 100.000 hộ dân có đồng hồ nước nhưng không sử dụng mà sử dụng nước giếng. Khiến nguồn nước ngầm bị khai thác ở mức báo động, xâm nhập mặn gia tăng và gây sụt lún.

Hơn 100.000 hộ dân có đồng hồ nước nhưng không sử dụng mà sử dụng nước giếng. Những người dân này sống tập trung ở các quận/huyện vùng ven như Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12… Trong khi đó, nguồn nước ngầm bị khai thác ở mức đáng báo động, dẫn đến xâm nhập mặn gia tăng và gây sụt lún.

Theo Sở Xây dựng TP, tỷ lệ người dân TPHCM được cấp nước sạch là 100%, trong đó việc cấp nước qua đồng hồ tại nhà đạt gần 98% (hơn 1,9 triệu hộ), còn lại thông qua các giải pháp cấp nước khác như: cấp nước qua đồng hồ tổng, giải pháp tạm qua các hồ chứa tập trung và thiết bị lọc. Về tình hình sử dụng nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, trong các khu vực đã được phủ mạng lưới cấp nước vẫn còn một bộ phận người dân khai thác và duy trì sử dụng chủ yếu nguồn nước ngầm từ các giếng khoan. Tính riêng 6 tháng đầu, số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng chiếm 9% (tương ứng 124.500 khách hàng) và 8% khách hàng có mức tiêu thụ rất ít (từ 1-4 m3/tháng).

Được gắn đồng hồ nước tận nhà nhưng hàng trăm ngàn hộ dân không sử dụng hoặc sử dụng rất ít, gây lãng phí lớn

Về tình hình sử dụng nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết, trong các khu vực đã được phủ mạng lưới cấp nước vẫn còn một bộ phận người dân khai thác và duy trì sử dụng chủ yếu nguồn nước ngầm từ các giếng khoan.

Trong đó, số lượng hộ dân không sử dụng nước tại các quận/huyện vùng ven, nơi UBND Thành phố quyết liệt chỉ đạo phát triển mạng lưới cấp nước gắn đồng hồ nước, cao hơn rất nhiều lần so với bình quân của thành phố. Đơn cử, khách hàng không sử dụng nước tại huyện Hóc Môn chiếm 26%, huyện Bình Chánh chiếm 14% và tại quận 12 là 12%.

Trước đó, năm 2017 Sở Tài nguyên & Môi trường TP cho biết tổng số hộ dân có có giếng khai thác nước ngầm là 280.851 hộ với tổng lượng nước khai thác là gần 356.000 m3/ngày; các tổ chức khai thác nước dưới đất khoảng 361.000 m3/ngày. Nước đa phần được khai thác ở tầng nông và tập trung nhiều ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12, Bình Tân, Tân Phú. Đây là các khu vực có độ phủ mạng cấp nước sạch thấp và có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường TP, do khai thác nước dưới đất với lưu lượng lớn, hiện nay, trữ lượng khai thác an toàn nhiều nơi bị cạn kiệt, gây mất cân bằng nước. Nguồn nước dưới đất bị khai thác đến mức đáng báo động, dẫn đến mực nước hạ thấp vượt quá mức cho phép ở nhiều nơi, chất lượng nước không đảm bảo và xâm nhập mặn gia tăng. Trong khi đó, tình trạng bê tông hóa, san lấp kênh rạch của quá trình đô thị hóa làm hạn chế khả năng bổ cập nước tự nhiên cho các tầng nước ngầm.

Để có cơ sở đánh giá một cách tổng thể về tình trạng lún mặt đất trên địa bàn thành phố, từ năm 2010, TP đã triển khai dự án “Quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TPHCM bằng kỹ thuật INSAR vi phân”.

Kết quả quan trắc năm 2017 cho thấy, khu vực TPHCM tiếp tục có hiện tượng sụt lún bề mặt đất. Diện tích vùng lún nhanh (> 15 mm/năm) là hơn 1.900 ha, diện tích vùng lún tương đối nhanh (10-15 mm/năm) là hơn 7.900 ha, diện tích vùng lún trung bình (5-10 mm/năm) là 16.800 ha.

Trong tình hình vốn đầu tư còn hạn chế, việc đầu tư mạng lưới cấp nước còn nhiều khó khăn, việc người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước giếng khi đã có đồng hồ nước gây lãng phí rất lớn, đó là chưa tính chi phí xã hội bỏ ra để khắc phục hậu quả do khai thác nước ngầm quá mức.

Sở Tài nguyên – Môi trường cho rằng nguyên nhân lún do đặc điểm địa chất, thủy văn; do tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị; khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, hiện nay thành phố chưa có một đánh giá cụ thể tỷ lệ các nguyên nhân gây lún mặt đất.

Trước thực trạng khai thác nước ngầm, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường TP rà soát hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Từ đó, lập kế hoạch chi tiết giảm khai thác sử dụng nước dưới đất, tiến đến ngừng khai thác sử dụng nước dưới đất theo lộ trình cụ thể, đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch đáp ứng yêu cầu sử dụng để thay thế.

Ngoài ra, UBND TP sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường về việc hạn chế, ngừng cấp giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố. Đối với huyện Củ Chi, UBND TP giao các đơn vị tham mưu phương án phương án vận chuyển và cung cấp nước sạch bằng xe bồn cho người dân.

Giai đoạn 2021-2025, Công ty sẽ vận động 12.000 hộ dân thôi dùng giếng khoan để chuyển qua sử dụng nước sạch. Trung bình mỗi giếng khoan được trám lấp chi phí khoảng 1,2 triệu đồng. Khi thực hiện rộng rãi, kinh phí sẽ trích từ ngân sách thành phố.

Theo quy định hiện nay, thành phố chỉ yêu cầu giảm khai thác chứ chưa cấm nên chính quyền chỉ có thể vận động người dân mà không thể cưỡng chế thực hiện. Hơn nữa, chưa có quy định, chế tài đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp nước máy nhưng vẫn khai thác, sử dụng nước ngầm.

Để bảo vệ nguồn nước ngầm, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn còn 100.000 m3/ngày; đồng thời thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước, hạn chế ô nhiễm.

Để hoàn thành mục tiêu này, đại diện Sawaco cho biết, đơn vị sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng nguồn nước mới từ Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2 với tổng công suất 600.000m3/ngày. Sawaco cũng đặt mục tiêu giảm thất thoát nước từ 23,31% xuống còn 21,7% trong năm 2019; cam kết duy trì cấp đủ nước sạch cho người dân thành phố.

Thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Với nhóm đối tượng là doanh nghiệp, khu chế xuất – khu công nghiệp do Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, Sở đã chuẩn bị để báo cáo ngừng cấp giấy phép 151 công trình với tổng lượng khai thác 62.860 m3/ngày.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Hàng trăm ngàn hộ dân không chịu dùng nước sạch