TP. Hồ Chí Minh: Kiểm soát vệ sinh tại các điểm tập kết rác

Hoàng Anh|14/09/2022 16:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhiều trạm trung chuyển, điểm tập kết rác tại TP. Hồ Chí Minh bị người dân phản ánh không đảm bảo yêu cầu về môi trường, diện tích, điều kiện thu gom... gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, hiện mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các điểm tập kết về trạm trung chuyển và vận chuyển đến các khu liên hợp xử lý trên địa bàn do ba đơn vị cùng thực hiện, đó là: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh (CITENCO), Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, huyện và Hợp tác xã Vận tải công nông.

rac.jpg
Việc kiểm soát vệ sinh tại các điểm tập kết rác là một việc làm hết sức cấp thiết

Để vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, hiện tại toàn Thành phố có hơn 900 điểm tập kết tập trung rác (cả nội thành và ngoại thành); 27 trạm trung chuyển để tập kết tạm thời chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại nguồn để vận chuyển đến các khu xử lý tập trung của thành phố (trong đó có 6 trạm trung chuyển đạt chuẩn về trạm ép rác kín, có hệ thống thu gom và xử lý môi trường, có hệ thống phun xịt chế phẩm khử mùi; 13 trạm đã cải tạo, nâng cấp nhà xưởng kín và lắp đặt bổ sung các hệ thống thu gom, xử lý môi trường, có hệ thống phun xịt chế phẩm khử mùi; 8 trạm trung chuyển đang hoạt động tạm theo nhu cầu quản lý trên địa bàn của quận, huyện).

Kết quả giám sát của Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố về đánh giá chất lượng vệ sinh trên địa bàn 6 tháng đầu năm cho thấy, công tác thu gom tại các điểm hẹn, vệ sinh điểm tập kết, vận hành trạm trung chuyển, quản lý rác dân lập tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, một số khu vực vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Cụ thể, một số trạm trung chuyển rác nằm trong lòng khu dân cư, có đông người dân sinh sống đã trở thành “điểm đen” khiến người dân TP. Hồ Chí Minh ngán ngẫm như: Trạm trung chuyển ở phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức; trạm dưới chân cầu Chánh Hưng, quận 8; trạm trong khu dân cư Nam Hùng Vương, quận Bình Thạnh; trạm trên đường Tân Hóa, quận 11, trạm trung chuyển trên đường Đào Trí, quận 7... Ngoài ra còn nhiều điểm trung chuyển, tập kết khác ở quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh, quận 12, kể cả các ở các quận trung tâm như quận 1, quận 3 cũng khiến nhiều người dân ám ảnh.

Các Trạm trung chuyển rác trong lòng khu dân cư đồng nghĩa với việc người dân hằng ngày phải đối chọi với ô nhiễm toàn diện về cả không khí lẫn nguồn nước. Đa số các Trạm trung chuyển này đều có hệ thống máy móc thô sơ, lạc hậu tại phần lớn các trạm trung chuyển đã làm chậm quá trình xử lý, khiến rác tồn đọng tạo mùi hôi thối nồng nặc và rò rỉ nước thải ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Đặc biệt nhất vào mùa mưa, khi rác ứ đọng nhiều gặp mưa xuống gây ngập úng trên diện rộng khiến rác thải trôi nổi khắp nơi. Nước bẩn từ trạm trung chuyển lại có thêm cơ hội phát tán nhanh chóng vào khu dân cư làm tiềm ẩn nguy cơ dịch, bệnh.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ người dân sống tại các trạm trung chuyển rác sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, mãn tính, đặc biệt nhất là bệnh về da liễu do ô nhiễm gây nên.

Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường giám sát hoạt động của những đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn; yêu cầu các đơn vị chấp hành đúng, đầy đủ quy định, quy trình kỹ thuật để duy trì liên tục chất lượng vệ sinh môi trường và sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước. Các đơn vị thực hiện các phương án bố trí thời gian thu gom rác tại nguồn và tập kết, vận chuyển tại các điểm hẹn, trạm trung chuyển phù hợp để tránh ùn ứ rác, đảm bảo mỹ quan đô thị.

Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm thải bỏ chất thải không đúng nơi quy định; tăng cường xử lý các trường hợp, đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường không tuân thủ quy định, quy trình kỹ thuật, hợp đồng cung ứng dịch vụ đã ký kết, tiếp nhận thành phần chất thải không đúng quy định, chất thải từ tỉnh, thành khác vận chuyển về Thành phố.

Thực hiện yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO) đã áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo vệ sinh môi trường, quá trình vận hành được kiểm soát nghiêm ngặt, không để phát tán mùi hôi ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường. Công ty cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Thủ Đức triển khai thí điểm dán logo nhận diện các xe gom rác dân lập đổ về các trạm trung chuyển Hiệp Bình Chánh, Long Hòa, Long Trường thuộc thành phố Thủ Đức; giúp quản lý lực lượng thu gom rác, điều phối khối lượng rác tại các trạm trung chuyển tốt và thuận lợi hơn, công suất xử lý tại các trạm trung chuyển được đảm bảo. Việc này cũng tránh được trường hợp các xe rác ở địa bàn khác đổ không đúng nơi quy định.

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 3 cho hay, do biết các điểm trung chuyển, tập trung rác sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, quận đã thực hiện chuyển đổi lấy rác ban đêm thay vì ban ngày như trước, đồng thời trang bị xe ép rác hiện đại. Quận còn quán triệt lực lượng thu gom rác phải tập kết rác đúng giờ, không quá sớm, tăng cường vệ sinh các điểm lấy rác; giao các phường và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích Quận 3 tăng cường kiểm tra, nhắc nhở. Địa phương đã thành lập Hợp tác xã môi trường quận để nâng cao chất lượng thu gom rác trên địa bàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Kiểm soát vệ sinh tại các điểm tập kết rác