UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra tình hình và kết quả công tác tổ chức di dời người dân trong các chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm để triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại theo Nghị định số 101/2015 của Chính phủ.
Sau khi kiểm tra, khảo sát, Sở Xây dựngTP Hồ Chí Minh cần đánh giá tình hình, mức độ an toàn và giao cho các UBND quận, huyện khẩn trương lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch nhà nước, đồng thời đảm bảo phương án tái định cư để các hộ dân lựa chọn. Người dân cũng có thể nhận tiền đền bù để tự tìm nơi định cư mới theo quy định của pháp luật, nhà nước…
Ảnh minh họa
Trước mắt, UBND các quận, huyện có 15 chung cư hư hỏng cấp D (xuống cấp nghiêm trọng) cần có phương án di dời ngay để đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân. Đối với các trường hợp không chấp hành, cần kiên trì tiếp xúc, vận động, thuyết phục để thực hiện di dời vì các chung cư xuống cấp nghiêm trọng luôn tiềm ẩn nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Hồ Chí Minh đề xuất phương án đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chỉnh trang, thay thế 15 chung cư cũ nguy hiểm, hư hỏng nặng được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có khoảng 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, trong đó có 15 chung cư cấp D, không đáp ứng khả năng chịu lực để sử dụng bình thường. Vì vậy, năm 2019 TP Hồ Chí Minh phấn đấu sửa chữa, cải tạo 108 chung cư cũ; khởi công và thi công xây dựng 8 chung cư; hoàn thành tháo dỡ 7 chung cư; hoàn thành di dời 729 hộ dân của 12/15 chung cư cấp D; lựa chọn chủ đầu tư 11/15 chung cư cấp D…. Mục tiêu đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ giải quyết 50% chung cư cũ trước năm 1975.
Trước đó, Bộ Xây dựng có công văn đề nghị TPHCM kiểm tra an toàn các chung cư vì có phản ánh của người dân ở chung cư Tôn Thất Thuyết và chung cư Vĩnh Hội quận 4, TPHCM, đang sống trong cảnh bất an, lo lắng vì không biết nhà sập lúc nào.
Hà Anh (T/h)