Trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn

Phạm Anh|10/06/2022 07:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 10/6, tại Tuyên Quang, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo về kinh nghiệm xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính toàn cầu ngày càng cấp bách và được các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều rất quan tâm. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đã đưa ra đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội và an ninh môi trường thế giới.

Từ năm 2006, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường, hiện đã được nhân rộng tại các địa phương và trong cả nước. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng, đó là các mô hình: “Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hoà giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường” gắn với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện Mặt trận đang duy trì, xây mới và nhân rộng mô hình điểm “vận động nhân dân ở khu dân cư thực hiện tang văn minh, tiến bộ và bảo vệ môi trường”; xây dựng điểm và nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn…

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu khai mạc Hội thảo.

“Từ những mô hình trên, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động thiết thực về bảo vệ môi trường được hình thành ở các địa bàn dân cư. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên, có tác dụng tích cực, tạo thành phong trào trên địa bàn, giúp người dân xây dựng “thói quen tốt” về bảo vệ môi trường”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài khẳng định và cho biết qua thực tiễn, các mô hình điểm đã được nhân rộng ra nhiều địa phương, tạo thành phong trào thi đua góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhất là góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của UBTƯ Việt Nam và sự phối hợp, tạo điều kiện của Ủy ban MTTQ 9 tỉnh tham dự Hội thảo, góp phần giúp tỉnh Tuyên Quang dành được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời mong muốn trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang và MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp hiệu quả hơn nữa để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong chặng đường phát triển, hội nhập, trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Tham luận mở đầu Hội thảo, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam nhận định, hiện nay chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nhiều vùng nông thôn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định và là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn sinh hoạt hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Phương thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp, các bãi chôn lấp chủ yếu tồn tại từ lâu, tiêu tốn quỹ đất, tỷ lệ chất thải được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng còn thấp.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

“Trong các năm 2006-2009, mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn 3R được triển khai thử nghiệm tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện đã đi vào quên lãng” ông Hải dẫn chứng và cho rằng nguyên nhân của sự thất bại theo là do chưa có tính bền vững trong chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ khiến việc phân loại chất thải trở nên nửa vời”, PGS.TS Lưu Đức Hải nêu thực tế.

Do đó, PGS.TS Lưu Đức Hải khuyến nghị cần có nghiên cứu phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp để xây dựng mô hình ‘Cộng đồng thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt bền vững”, từ đó mở rộng các mô hình này trên phạm vi cả nước để giải quyết vấn đề quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bền vững theo hướng biến chất thải thành tài nguyên.

Từ kinh nghiệm xây dựng mô hình điểm sáng, xanh, sạch, đẹp và phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, ông Bùi Hữu Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom đã đạt trên 75% ở nông thôn và trên 95% ở đô thị. Tuy nhiên phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp thông thường (chiếm khoảng 75%) và đốt bằng các lò rác quy mô nhỏ ở cấp xã và cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư. Hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động hiện nay chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường.

Từ bức tranh hiện trạng thu gom, xử lý rác thải của Vĩnh Phúc, ông Bùi Hữu Hưng cho rằng, để thực hiện được mục tiêu phân loại rác thải tại nguồn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động cũng như chú trọng đầu tư trang thiết bị.

“Trước hết cần phải xây dựng hệ thống nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cấp huyện với công suất đủ lớn để có khả năng xử lý hết số rác thải hàng ngày trên địa bàn với các công nghệ đốt và kết hợp giữa đốt và tái chế thành các sản phẩm khác nhau. Đây là điều kiện tiên quyết và quyết định đến việc thành công của hoạt động phân loại rác thải tại nguồn”, ông Hưng đề xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nguồn, ông Vũ Đức Phúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên cho biết, tại các khu dân cư, Ban CTMT đã chủ trì phối hợp với lãnh đạo thôn, chi đoàn, chi hội tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, không xả chất thải ra hệ thống cống rãnh, bờ sông, bờ kè, đường làng, ngõ xóm, đảm bảo giữ sạch cảnh quan môi trường; kết hợp tuyên truyền cách thức phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học tại gia đình; tạo chuyển rõ trong việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình ở mỗi khu dân cư.

Theo ông Vũ Đức Phúc, trong thời gian tới, cần chú trọng nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của môi trường sống và nhiệm vụ bảo vệ môi trường của các cá nhân tổ chức, hộ gia đình ở các địa bàn dân cư, để người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh, môi trường trong sinh hoạt, sử dụng công trình vệ sinh của hộ gia đình hợp lý, nước thải, rác thải được thu gom và xử lý đúng quy trình, quy định; qua đó đẩy mạnh phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh, nạo vét kênh mương, thu gom rác thải, sản xuất thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, việc xây dựng, nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó hình thành được thói quen, phương pháp thực hiện trách nhiệm giám sát và tự giám sát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.

Các tham luận của đại biểu tại hội thảo là những kinh nghiệm quý trong quá trình triển khai thực hiện mô hình ở khu dân cư. Đây là cơ sở để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoàn thiện Đề án Xây dựng điểm và nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn cộng đồng dân cư để triển khai trong phạm vi toàn quốc. Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò tuyên truyền, vận động, tham gia cùng với nhân dân trong thực hiện phân loại, xử lý, tái chế và sử dụng hiệu quả rác thải, nâng cao chất lượng môi trường sống, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Phạm Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn