Trị đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết

Tú Anh (T/h)|23/08/2019 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các yếu tố gây bệnh như phong, hàn, thử, thấp…xâm nhập vào cơ thể, phát sinh chứng đau mỏi.

Đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi là nỗi lo của không ít bệnh nhân mặc các bệnh về xương khớp. Thực tế cho thấy có hơn 2/3 số bệnh nhân mắc bệnh về cơ xương khớp phải chịu đựng những cơn đau khớp dai dẳng, khó chịu mỗi khi thời tiết thay đổi như: ngày nắng gắt, đêm mưa rào, càng về sáng trời càng lạnh…

Đau nhức xương khớp thường trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết thay đổi lúc chuyển mùa là do áp suất khí quyển thấp. Trong điều kiện bình thường, các thành phần của xương khớp luôn duy trì trạng thái cân bằng với môi trường xung quanh.

Khi thời tiết thay đổi, áp suất khí quyển giảm, các mô nở ra tạo áp lực lên các khớp. Khi áp suất khí quyển hoặc nhiệt độ tăng hoặc giảm, chất lượng dịch khớp cũng thay đổi, phản ứng của các mô xung quanh khớp với nhiều quá trình lý hóa phức tạp, làm gia tăng tình trạng viêm, biểu hiện bởi hiện tượng sưng, đau tại khớp.

Có một tình trạng khá thường gặp là mỗi khi thay đổi thời tiết, nhiều người cảm thấy buồn mỏi, đau nhức ở các khớp. Nguồn: internet

Đối phó cơn đau nhức xương khớp

Xoa bóp

Việc tập luyện khớp mỗi ngày là rất cần thiết, tuy nhiên, phải tránh các môn thể thao đối kháng. Nếu làm việc văn phòng, nên thường xuyên thay đổi tư thế ngồi, đứng lên khoảng 5-10 phút để tránh mỏi khớp.

Người bệnh nên giữ ấm các khớp ngay khi thời tiết sắp sửa thay đổi. Khi bị đau, có thể áp dụng các biện pháp như xoa bóp khớp, co duỗi nhẹ nhàng, chườm nóng… Chườm nóng bằng paraffin, túi chườm nhiệt, khay nhiệt điện có tác dụng giảm đau, nhưng không nên áp dụng với ổ viêm có mủ, chấn thương đang sung huyết. Người bệnh cũng nên tránh bê vác nặng làm khớp thêm tổn thương và giảm cân (nếu béo phì) để hạn chế áp lực lên khớp.

Chườm ngải cứu

Dùng ngải cứu tươi một nắm to, cắt đoạn dài chừng 2cm, muối ăn 1 bát đem rang cho đến khi hết tiếng nổ thì bỏ ngải cứu vào, đảo nhanh tay rồi đổ ra khăn ba lớp, bọc lại đem chườm vào các khớp đau mỏi, mỗi ngày 1 đến 2 lần. Cũng có thể dùng lá ngải đặt lên tấm gang hoặc viên gạch đã được nung nóng rồi dùng hơi thuốc xông các khớp hoặc nấu lấy nước ngâm rửa cùng với một vài thứ lá như xương sông, cỏ xước, lá lốt…

Bổ sung dưỡng chất

Người bệnh có thể cung cấp các dưỡng chất phù hợp để nuôi dưỡng và giúp tái tạo mô sụn tại các khớp. Theo đó, người bệnh nên ăn các thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, các vitamin A, E, C có trong đậu nành, rau xanh, hạt mầm, cà rốt, cà chua, ớt, bơ…

Thuốc uống

Một số bài thuốc để sắc uống

Bài 1: Cỏ xước 15g, xấu hổ 15g, ý dĩ 15g, thổ phục linh 20g, kê huyết đằng 15g, cam thảo 6g, quế chi 12g, độc hoạt 10g, rễ đinh lăng 15g, vỏ quýt 8g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài 2: Độc hoạt 10g, cốt khí củ 15g, cốt toái bổ 15g, dây đau xương 15g, cỏ xước 15g, cam thảo dây 6g, tỳ giải 12g, thiên niên kiện 8g, vỏ quýt 8g, hà thủ ô 12g, rễ đinh lăng 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài 3: Thổ phục linh 15g, uy linh tiên 12g, độc hoạt 8g, ngũ gia bì 15g, ké đầu ngựa 12g, hoàng kỳ 12g, xuyên khung 8g, cẩu tích 15g, cam thảo 6g, sinh khương 3 lát, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Nhìn chung các phương pháp trên đều rất đơn giản, dễ kiếm, dễ chế, dễ dùng, rẻ tiền và đảm bảo tính an toàn. Có thể dùng để dự phòng tích cực, hỗ trợ trị liệu và điều trị duy trì chứng đau mỏi các khớp khi thời tiết thay đổi.

Tú Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trị đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết