Trung Quốc: Dùng tảo để chế tạo miếng dán đặc biệt giúp vết thương mau lành

Ngọc Linh (t/h)|23/05/2020 08:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nhà nghiên cứu Trung Quốc chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng miếng dán đặc biệt giúp chữa lành vết thương mãn tính ở các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

Vết thương lâu lành là một biến chứng trên da của bệnh nhân tiểu đường. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, vết thương có thể trở thành vết loét nặng và khi đó phải cắt bỏ để tránh lây lan, nguy hiểm đến tính mạng. Phương pháp điều trị thông thường là liệu pháp oxy, song liệu pháp này ít hiệu quả trong việc đưa oxy xuyên da.

Bí quyết của miếng dán này nằm ở vật liệu cấu thành nó: những mảnh tảo lục lam. Trong các thử nghiệm ban đầu được tiến hành trên cơ thể chuột, các nhà khoa học nhận thấy chúng có tác dụng rõ ràng trong việc thúc đẩy tốc độ làm lành vết thương. Nhờ đặc tính này, chúng được xem là giải pháp dành cho vết thương mãn tính của những người mắc bệnh tiểu đường. Ở người bị tiểu đường, các biến chứng khiến cho vết thương của họ rất khó có thể hồi phục và trong tình huống xấu nhất, phương án cuối cùng chính là cắt cụt chi.

Thông thường, các bác sĩ sẽ dùng khí oxy – thứ được cho là có thể làm lành da để chữa cho những tình huống như vậy. Tuy nhiên, bởi vì chỉ một phần nhỏ oxy có khả năng xâm nhập vào bên trong da nên tính hiệu quả của việc này không cao. Để khắc phục điều này, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tạo ra các miếng băng dán chứa đầy vi khuẩn Synechococcus elongatus, thường được biết đến với cái tên tảo lục lam, với khả năng sản xuất oxy khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời, một thành phẩm của quá trình quang hợp.

Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chia các con chuột mắc tiểu đường thành 2 nhóm. Kết quả cho thấy các vết thương dài cỡ 1cm của nhóm được điều trị bằng miếng dán đã lành đến 45% trong vòng 6 ngày, trong khi tỷ lệ lành của các vết thương cùng kích thước của nhóm được điều trị bằng liệu pháp oxy truyền thống là 20%.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng miếng dán đưa lượng oxy vào bên trong da của chuột nhiều hơn gấp 100 lần so với liệu pháp oxy.

Tuy nhiên, miếng dán gel nước này vẫn cần phải được thử nghiệm trên động vật trước khi thử nghiệm lâm sàng ở người.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc: Dùng tảo để chế tạo miếng dán đặc biệt giúp vết thương mau lành