Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng là Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2027)

29/11/2022 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hội đồng suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, quyền Pháp chủ khóa VIII, lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2027).

Sáng nay, ngày 29/11, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX bước vào ngày làm việc chính thức thứ hai, biểu quyết và cử hành nghi thức tấn phong giáo phẩm Hòa thượng, Ni trưởng, Thượng tọa, Ni sư; suy tôn Đức Pháp chủ và Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự và các chức danh Ban Thường trực Hội đồng Trị sự.

29-dh-phat-giap-suy-ton-giao-chu.png
Nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đại hội thực hiện nghi thức tấn phong 3.342 tăng, ni lên hàng giáo phẩm Hòa thượng, Ni trưởng, Thượng tọa, Ni sư; trong đó tấn phong 268 Hòa thượng, 1.102 Thượng tọa, 391 Ni trưởng, 1.581 Ni sư.

Đại hội đã thống nhất suy tôn 112 ủy viên Hội đồng Chứng minh và suy cử 235 ủy viên chính thức, 45 ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2022-2027.

Tại phiên họp thứ nhất, ủy viên Hội đồng Chứng minh đã thống nhất suy tôn 30 ủy viên tham gia Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh. Hội đồng suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, quyền Pháp chủ khóa VIII, lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2027), suy tôn 11 Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.

Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Trị sự, các ủy viên đã thống nhất suy cử 65 ủy viên tham gia Ban thường trực Hội đồng Trị sự.

Hội đồng tái suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2027), suy cử 21 Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự.

Trong lời đạo từ gửi tới đại biểu dự Đại hội và tăng, ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, Đệ tứ Pháp chủ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nhắc đến thời điểm năm 1981, chư tôn đức, trưởng lão 9 hệ phái Phật giáo từ Bắc tới Nam một lòng muốn thống nhất ngôi nhà chung của Phật giáo sau khi nước nhà thống nhất.

Lúc đó, Đại hội lần thứ nhất chỉ hơn 100 đại biểu, “nhưng các vị là những viên ngọc quý của Phật giáo Việt Nam.”

Được tham gia Đại hội, Hòa thượng cho biết từ các chư tôn đức, trưởng lão đến các đại biểu nhìn nhau thân thương, hòa hợp, “không phải trên khẩu hiệu, mà trong lòng của mọi người nhìn thấy nhau như một khối, một tổ chức, chỉ có một người, đó là Phật tâm.”

Đức Pháp chủ đệ nhất khi đó rất quan tâm đến việc đào tạo tăng tài, điều này phù hợp với lời dạy của Tổ Khánh Hòa là người đầu tiên mở ra con đường chấn hưng Phật giáo “có chùa mà không có tăng, coi như không có; có tăng mà tăng thất học thì lại càng nguy hiểm hơn nữa.”

Vì vậy, ngài coi trọng giáo dục Phật giáo để mở mang trí tuệ cho tăng già và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho phép mở trường đào tạo chư tăng.

Từ đó đến nay, nhiều lớp tăng sỹ có học vị từ cử nhân đến tiến sỹ được tổ chức, với hàng vạn người.

29-dai-hoi-phat-giao.png
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại Đại hội.

Đến Đại hội lần thứ VIII, theo Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức đệ tam Pháp chủ nhìn thấy sở học của tăng già có nhưng đạo hạnh có phần khiếm khuyết, nặng phần lý luận, tranh chấp hơn thua cho nên ngài rất lo.

“Ngài đã gọi tôi tới, ngài ký thác: tôi đã lớn tuổi, muốn làm nhiều việc nhưng không thể làm được, mong Hòa thượng cùng chư tôn đức trong Hội đồng Chứng minh cố gắng xây dựng Hội đồng Giám luật để chấn chỉnh đạo phong của tăng, ni. Nếu đạo phong, cốt cách mà khiếm khuyết thì làm tổn thương cho Giáo hội không ít. Thực hiện ý chí của ngài, tôi triệu tập Ban thường trực Hội đồng Chứng minh để thành lập Hội đồng Giám luật,” Hòa thượng Pháp chủ chia sẻ.

Theo Đức Pháp chủ, đây là hai việc quan trọng nhất mà hai vị pháp chủ để lại, vì vậy, Đại hội lần này đặt vấn đề trí tuệ và kỷ cương lên hàng đầu.

Có trí tuệ mới có kỷ cương, có trí tuệ mới thấy được những gì đang làm, để tạo sự đoàn kết trong Giáo hội, từ đó xây dựng cương lĩnh lãnh đạo từ trên xuống dưới, mọi người hòa hợp trong giáo pháp của Đức Phật.

Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ kỳ vọng tăng, ni, Phật tử trong Đại hội có trách nhiệm tiếp tục phát triển những điều tốt, khắc phục những điều chưa tốt để trở thành nhân tố tốt trong Giáo hội, trong xã hội, từ đó phát hiện thêm những nhân tài trong Phật giáo để đề đạt vào chức danh của Giáo hội từ trung ương đến địa phương, chung sức xây dựng Giáo hội tốt đẹp hơn.

Trước đó, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 đã khai mạc trọng thể tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, TP Hà Nội với sự tham dự của 1.091 đại biểu gồm các chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni, cư sĩ, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại đại hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương cũng tới dự đại hội.

Báo cáo tại đại hội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) vừa qua phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, sự điều hành linh hoạt, sáng tạo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, các ban, viện Trung ương, Ban Trị sự các cấp đã tổ chức tốt các hoạt động Phật sự của Giáo hội, đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ.

Trong thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 3 năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ; tổ chức thành công, trang nghiêm, trọng thể Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (7-11-1981/7-11-2021); chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng kế hoạch Thông tư 205/TT-HĐTS của Hội đồng Trị sự; Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027 đã diễn ra thành công ở tất cả 63 tỉnh, thành phố theo đúng Thông tư 60/TT-HĐTS để tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX.

Với chủ đề “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX là một sự kiện quan trọng được tiến hành theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sau 5 năm hoạt động, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự tổ chức Đại hội để tổng kết, đánh giá thành tựu Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), đồng thời hoạch định đề ra phương hướng hoạt động Phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo của nhiệm kỳ IX (2022-2027). Đại hội IX Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiệm vụ cử hành nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh; suy cử Chủ tịch và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027; nghi thức tấn phong Giáo phẩm tại Đại hội; thực hiện nghi thức tuyên dương khen thưởng của Giáo hội và Nhà nước trao tặng các tập thể ban, viện Trung ương, Ban Trị sự và cá nhân chư tôn đức tăng ni, cư sĩ Phật tử thành viên Giáo hội. Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội nhiệm kỳ IX là tiến hành tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và quyết định một số Phật sự quan trọng khác.

Vui mừng và xúc động khi tới dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới Hoà thượng Quyền Pháp chủ, Hoà thượng Chủ tịch, chư tôn đức giáo phẩm, quý vị tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Du nhập vào Việt Nam từ hơn hai nghìn năm trước, với triết lý “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” và truyền thống “Hộ quốc, an dân” phù hợp với đời sống, đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, Phật giáo đã được đông đảo người dân đón nhận và tin theo. Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất nước ta, có nhiều ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội, góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

29-dh-phat-giao.png
Quang cảnh Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả tích cực trong hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua. Những kết quả đó tiếp tục khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, phát huy truyền thống yêu nước sát cánh đồng hành với dân tộc.

Phật giáo là tôn giáo gương mẫu đi đầu, thực hiện thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo cả nước trong một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với đường hướng hành đạo là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc. Giáo hội luôn là tổ chức thành viên tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, chung sức, đồng lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng có cuộc sống yên vui, hạnh phúc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự mong muốn: Với tôn chỉ, mục đích cao cả của Phật giáo, với đường hướng hành đạo “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, trong nhiệm kỳ mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo, tập hợp đoàn kết tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy những truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, góp phần tích cực vào đoàn kết, hoà hợp dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đồng thời, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tuân thủ pháp luật, tạo môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trong cả nước.

Hòa thượng Thích Trí Quảng, thế danh Ngô Văn Giáo, sinh năm 1938 tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hòa thượng xuất gia năm 10 tuổi tại tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), thọ giới Tỳ - kheo năm 1960.

Từ năm 1965-1972, Hòa thượng du học tại Đại học Rissho, Tokyo, Nhật Bản.

Năm 1981, Hòa thượng được suy cử ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng Thích Trí Quảng đã được suy cử ngôi vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, suy tôn Phó Pháp chủ, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật, Quyền Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng là Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2027)
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.