Trường Sa – Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió (Kỳ 4): Hồi ức xây đảo của cựu binh già

Mai Thắng|24/04/2020 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hằn sâu trên khuôn mặt dạn dầy sương gió là chí khí mạnh mẽ của người lính Công binh Hải quân một thời vác đá xây đảo Tiên Nữ Song Tử, An Bang và Trường Sa Lớn.

Ông bảo “Cuộc đời tôi gắn liền với Trường Sa và những công trình xây đảo, điều động lại trong tim tôi là tình đồng đội không bao giờ phai nhạt. Những ngày vác đá ném vào lòng biển, vật lộn với bão tố, sống với biển, ngủ trong lòng biển thật ý nghĩa. Đó là quãng đời đẹp đẽ nhất của đời lính”. Người lính ấy là cựu binh hải quân, trung tá Phạm Văn Minh, nguyên đại đội trưởng đại đội 10, tiểu đoàn 884, trung đoàn 131 Công binh Hải quân.

Ký ức không bao giờ quên

Tôi gặp cựu binh Phạm Văn Minh trong chuyến tàu đi Trường Sa. Trong nhiều câu chuyện kể về cuộc đời lính biển, chuyện về những năm tháng vác đá lăn lộn hết đảo chìm đến đảo nổi được ông kể lại như sự “truyền lửa” cho thế hệ trẻ: “Để có Trường Sa vững vàng như hôm nay, 32 năm trước, lính công binh bọn tớ đã chấp nhận hi sinh tuổi xuân để xây đảo. Xây đảo ngày trước khó khăn gian khổ hơn nhiều chứ không thuận lợi như bây giờ. Tất cả chuyển đá từ tàu vào đảo đều bằng tay, kéo bo chứ không có cẩu, máy móc. Bây giờ nghĩ lại, thời ấy sao mà đẹp đẽ thế”.

Cựu binh Phạm Văn Minh

Sau sự kiện 14-8-1988, nhiệm vụ xây đảo Trường Sa thành trận địa vững chắc, vừa bảo đảm sức sống cho bộ đội, vừa có khả năng phòng thủ chiến đấu, bảo vệ đảo được đặt lên hàng đầu. Sau 3 ngày “sự kiện Trường Sa 1988”, ngày 19 tháng 3 năm 1988, Đại úy Phạm Văn Minh lúc ấy giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 10 (thuộc Tiểu đoàn 884 Trung đoàn 131 Công binh Hải quân) cầm quân 50 chiến sĩ trẻ theo tàu đi xây đảo Tiên Nữ. “Mặc dù biết tin 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh trong trận chiến Gạc Ma, nhưng chúng tôi vẫn hăng lái lên đường. Lúc đó hai tiếng Trường Sa thiêng liêng lắm. Phong trào “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” lúc đó lan tỏa, ăn sâu vào tim chúng tôi. Nhiều chiến sĩ trẻ trước ngày lên đường đã chia tay người yêu, bố mẹ, vợ con mà không hẹn ngày trở lại”, ông Minh chia sẻ.

Đảo chìm Tiên Nữ lúc đó thuộc cụm đảo T3, nằm gần đảo Tốc Tan, Núi Le và Phan Vinh. Đây là đảo có rạn san hô trải dài theo vòng hình tam giác rộng. Khi thủy triều xuống, rạn san hô nhô lên mặt biển. Để chuyển vật liệu từ tàu vào đảo, ông Minh cùng 50 chiến sĩ phải chia thành hai ca làm theo con nước, bất kể thời gian ngày hay đêm. Khi thủy triều lên, tàu cơ động gần thềm san hô. Đá, thép, xi măng được các thủy thủ trên tàu chuyển bằng tay xuống xuồng. Để đỡ công sức bộ đội, ông Minh đã nghĩ ra cách cột dây chảo vào hai đầu xuồng để bộ đội kéo theo kiểu ròng rọc. “Nếu thủy triều lên, cứ 20 phút chúng tôi kéo được một chuyến đá từ tàu vào đảo theo kiểu ròng rọc. Khi thủy triều xuống, phải vác đá lội bộ. Ngày ấy không có tấm bảo hộ kê vai như bây giờ, nên chỉ sau 3 ngày vác đá là vai áo chiến sĩ rách bươm. Chúng tôi nghĩ ra cách gấp đôi chiếc bao tải, đặt lên vai làm lót, vác đá cho đỡ đau. Khi bao tải rách hết, cũng là lúc vai các chiến sĩ chai sần không còn biết đau, rát nữa. Để bảo đảm thi công đúng tiến độ, chúng tôi chạy đua với sóng biển. Bất kể nắng mưa, ngày hay đêm. Trừ bão tố, sóng quá lớn, lật xuồng, còn lại chúng tôi làm 20/ 24 giờ mỗi ngày. Đại đội tôi mỗi ngày chuyển 250 đến 300 tấn vật liệu tương đương 600 chuyến xuồng từ tàu vào đảo với chặng đường ngắn nhất lúc thủy triều lên là 1 km. Quân bình một chiến sĩ kéo 10 chuyến xuồng một ngày”, cựu binh Minh cho biết.

Cựu binh Phạm Văn Minh nhớ về một thời xây đảo Tiên Nữ

Ngủ trên cát, ăn giữa trời

“Do cường độ lao động căng thẳng, quá mệt nhọc nên nhiều chiến sĩ vừa vác đá, vừa ngủ. Nói đúng hơn là không còn sức để vác nữa. Có chiến sĩ vác được bao đá lội từ mép san hô vào đảo, lúc bỏ bao đá xuống cũng là lúc ngã khụy xuống triền cát. Có chiến sĩ lòng bàn chân bị đá san hô đâm. Và không ít chiến sĩ trẻ đã rưng rưng mỗi lần bão biển ập tới, nỗi nhớ đất liền luôn cào xé trong lòng. Có thể nói, khó khăn, gian khổ, không thể kể xiết, nhưng rồi động viên nhau phải xây bằng được nhà, cuối cùng cũng vượt qua. Tất cả vì tình yêu biển đảo, vì Trường Sa”, ông Minh chia sẻ.

Văn công từ đất liền ra phục vụ cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh năm 1988, ảnh tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu

Tiếp tục câu chuyện về những ngày vô cùng gian khó tại đảo Tiên Nữ, ông Minh kể cho chúng tôi nghe chuyện ăn, chuyện ở của chiến sĩ lúc đó. 50 con người ngủ trên một chiếc boong-tong hình chữ U. Chiếc boong-tong neo cách đỉnh đảo Tiên Nữ chừng 60 mét. Ban ngày, mặt boong – tong làm bằng sắt tỏa ra nóng như lửa đốt. Sau một ngày vác đá cực nhọc, anh em chui vào đó nằm ngủ. Người ngủ trên mặt boong-tong, người ngủ ngoài hành lang, người mắc võng, miễn sao có một chỗ ngả lưng cho lại sức. Một đêm rạng sáng, khi cán bộ chiến sĩ vừa ngả lưng, cơn giông bất ngờ ập tới. Khối boong-tong di chuyển dựt ầm ầm theo sóng lừng. Toàn đại đội báo động cấp 1. “Lúc đó không ai lo cho sự an nguy của bản thân, mà lo cho công trình vừa xây hồi chiều. Nếu dây neo đứt, khối boog-tong trôi đâm vào nhà thì bao công sức thành cát bụi.

Đúng như dự đoán, 8 dây neo thì 6 bị đứt. Chúng tôi vội nhảy xuống biển bám vào boong-tong nhìn sang công trình mà rơi nước mắt. May sao hai dây neo không đứt, boong-tong trôi cũng vừa chạm sát bức thành tường. Lúc đó tôi đã khóc vừa mừng vừa lo”. Ông Minh nhìn ra hướng biển nơi con tàu đang lướt tới. Tôi hiểu, ký ức những tháng ngày xây đảo Tiên Nữ cùng bao niềm vui, nỗi buồn đan xen đang tái hiện trong ông. Bất chợt, ông quay lại nói từ sâu thẳm lòng mình: “Sau hơn ba tháng thi công, ngôi nhà ba tầng sừng sững giữa biển trời. Chúng tôi ôm nhau khóc. Nhìn ngôi nhà như nhìn thấy Tổ quốc mình thiêng liêng hiện diện trong ấy”.

Những khó khăn ấy chưa phải là tận cùng, vào một chiều tháng 7/1988, sau gần 6 ngày vật lộn với nắng gió, một “thành loa” nữa gần hoàn thành. Bỗng nhiên trời nổi cơn dông, sấm chớp ầm ầm, mưa như trút nước. Nhìn bức tường vừa xây xong chưa kịp ráo vữa bị mưa biển xói mòn, anh em ôm nhau khóc. Trong nước mắt, hình ảnh ngôi nhà giữa biển khơi với lá cờ đỏ sao vàng bay trên nóc đảo lấp lánh trong tim ông.

Khúc quân hành giữa biển

Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn yêu đời, lạc quan. Sau mỗi một bức tường xây xong vững chắc, là đại đội lại tổ chức “ăn tươi”. “Nói ăn tươi cho oai thôi, chứ lúc đó ăn toàn thịt hộp và ruốc cá là chủ yếu. Nếu bữa ăn thường thì cơm với đồ hộp, còn ăn tươi thì có thêm món rau khô. Cả năm không bao giờ có rau xanh. Do thiếu rau xanh mà nhiều chiến sĩ đã đi kiết. Có chiến sĩ bị bệnh trĩ, hoặc thường xuyên đau bóp bụng”.

Đảo Đá Tây, một trong nhiều đảo chìm, cựu binh Phạm Văn Minh xây dựng

Nói về đời sống văn hóa tinh thần, ông Minh cho biết, cả đại đội lúc đó có mỗi chiếc đài véc-206 cũ kỹ, phải để giành pin để nghe thời tiết. Mà lúc đó cũng chẳng có thời gian để nghe. Ban ngày bộ đội xây đảo, đêm về chỉ kịp nhúng cái áo xuống biển cho mát rồi trải lên boong-tong nằm lăn ra ngủ. Tóc ai cũng dài, râu ai cũng mọc tua tủa. “Duy nhất có một lần văn công ra biểu diễn. Họ tặng chúng tôi là phong bì thư, bút mực, tập giấy viết thư. Các nữ văn công vá dùm chiến sĩ cái áo, khâu cái khuy. Quà chúng tôi tặng họ là ốc mò từ biển. Sau khi họ đi rồi, hằng đêm trước khi đi ngủ, nhiều chiến sĩ lại nghêu ngao hát đời mình là một khúc quân hành để quên đi mệt nhọc”, ông Minh cho biết.

Những vần thơ máu thịt

“Nếu được trở lại quân ngũ, cho tôi xin trở lại Trường Sa để tiếp tục xây đảo”, cựu binh, trung tá Phạm Văn Minh khẳng định như vậy, khi tôi hỏi: khi Tổ quốc cần bác có sẵn sàng trở lại Trường Sa. “Những năm tháng ở đảo Tiên Nữ là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong đời quân ngũ. Cái thấm vào gan ruột tôi là tình người, tình đồng đội gắn bó với nhau như ruột thịt”, ông Minh quả quyết.

11 năm vác đá xây đảo, gia tài trở về đời thường là bài thơ mặn mòi vị biển. Đó là những vần thơ chứa chan tình biển, đảo mà ông coi đó là nhựa sống của một thời hoa lửa. Trường Sa đứng giữa biển khơi/ Bốn mùa sóng vỗ, sóng dồi, sóng xô/Sóng trùm lên đảo san hô/ Sóng tung ướt cả ba lô trên sàn/ Dù còn bao nỗi vấn vương/ Đã là lính đảo lẽ thường đi xa/ Năm tháng anh ở Trường Sa…

Kỷ niệm 45 năm giải phóng quần đảo Trường Sa, hơn 90 triệu dân trên mọi miền đất nước, vọng tưởng, tri ân hàng ngàn người con ưu tú đã anh dũng ngã xuống vì hòa bình dân tộc, trong đó có các liệt sĩ Trường Sa. Các anh ngã xuống cho Tổ quốc nở hoa, cho Trường Sa trường tồn bất diệt. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những người đã ngã.

Đón đọc tiếp Kỳ 5: Liệt sĩ Trường Sa  

Mai Thắng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa – Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió (Kỳ 4): Hồi ức xây đảo của cựu binh già