Trường Sa – Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió (Kỳ 3): Hiến thân mình vì chủ quyền Tổ quốc

Mai Thắng|23/04/2020 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngay sau khi “căn chòi” ở đảo Trường Sa lớn hoàn thành vào cuối tháng 5 năm 1976, nhiệm vụ xây dựng đảo Trường Sa được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm số một.

Đặc biệt sau khi Trung Quốc chiếm trái phép đảo Chữ Thập của Việt Nam ngày 20-12-1987, thì việc xây dựng các đảo chìm được tiến hành khẩn trương. Đảm nhiệm sứ mệnh này là những người lính Trung đoàn 131 Công binh Hải quân. Họ đã gạt bỏ tất cả chuyện riêng tư, gia đình để ra đi mà không hề do dự. Dẫu vẫn hiểu ra đi có thể sẽ hi sinh, nhưng “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” xá chi sức trẻ và dấn thân vì Tổ quốc.

 Những đảo trọng yếu

Tại nhà riêng cựu binh, Trung tá Nguyễn Viết Chức – Nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07 ở phường 11 Vũng Tàu, lần đầu tiên chúng tôi được nghe ông kể về chuyện kế hoạch xây đảo Tiên Nữ nhưng phải hoãn lại để xây đảo chìm Đá Lớn trước. “Nếu ngày ấy chúng ta không sáng suốt xây dựng đảo Đá Lớn trước, thì đã bị “đối phương” đánh chiếm ngay lúc đó. Đảo Đá Lớn thuộc cụm đảo T2, nằm ở vị trí án ngữ quan trọng về giao thông hàng hải và chi viện chiến đấu.

– Tại sao phải xây dựng đảo Đá Lớn trước, Tiên Nữ sau thưa ông?

– Vì Đá Lớn là đảo chìm nằm trong “tầm ngắm” đánh chiếm trái phép của “nước ngoài”. Đây là 2 đảo trọng yếu có vị trí tiện lợi về cơ động lực lượng và chia cắt giữa các đảo chìm khác trong cụm T2.

Song song xây dựng các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, các đảo chìm cũng được tiến hành một cách rất khẩn trương. Theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho Trung đoàn 131 đem lực lượng, đá, xi măng, thép ra đảo Tiên Nữ xây dựng trước, song phải hoãn lại kế hoạch ngay sau đó, vì “nước ngoài” mưu đồ đem quân đánh chiếm trái phép đảo Đá Lớn nhưng không thành. Trước đó, ngày 20-12-1987, họ đã đánh chiếm trái phép đảo Chữ Thập, và mưu đồ tiếp tục đánh chiếm đảo Đá Đông. Nắm được ý đồ của “nước ngoài”, Quân chủng Hải quân đã lệnh cho tàu HQ- 661 và HQ-851 khẩn cấp đến đảo Đá Đông canh giữ. Biết không chiếm được đảo Đá Đông, “nước ngoài” quay sang mưu đồ đánh chiếm đảo Đá Lớn. Nắm được âm mưu đó, Đô Đốc Hải quân Giáp Văn Cương đã lệnh cho tàu HQ-702 của Hải Đoàn 128 thuộc Cục kinh tế tiếp cận và lao thẳng lên đảo Đá Lớn với mục đích giữ đảo.

Đó là lý do ta phải thay đổi kế hoạch từ xây đảo Tiên Nữ sang xây đảo Đá Lớn. Tàu 702 một nửa nằm trên bãi cạn Đá Lớn, một nửa nằm dưới nước. Khi thủy triều lên, toàn bộ thân tàu trượt xuống biển.

Tất cả vì Trường Sa thân yêu

Để bảo vệ bộ đội xây đảo an toàn, Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều động nhiều tàu ra tuần tiễu, canh giữ và bảo vệ các điểm đảo, rạn san hô ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phong trào “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” cũng được phát động trong toàn quốc.

Cùng chung tay xây đảo ngày ấy, tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng đã điều 2 tàu Phú Ninh và Sông Thu, thành phố Hải Phòng điều tàu Sông Cầu, Bộ Giao thông Vận tải điều tàu Đại Lãnh. Đây là bốn con tàu dân sự đầu tiên xung phong chở bộ đội, vật liệu ra Cụm đảo T3 gồm Tốc Tan, Tiên Nữ, Núi Le. Đồng hành cùng bốn tàu ấy, Lữ đoàn 125 có tàu Hạ Long 01, Lữ đoàn 171 Hải quân điều biên đội tàu HQ 07, HQ 11. Riêng tàu LCU cảu Vùng 5 Hải quân tăng cường chở bộ đội hành quân khẩn cấp ra đảo đảo Đá Lớn (thuộc Cụm đảo T2). Sau 3 ngày đêm hải trình vượt sóng gió, bốn tàu Phú Ninh, Sông Thu, Đại Lãnh, Sông Cầu neo tại cụm đảo T3. Công việc đầu tiên của bốn tàu dân sự là chuyển người, vật liệu vào ba đảo Tốc Tan, Tiên Nữ, Núi Le. Còn các tàu hải quân chia làm ba vòng bảo vệ. Tàu có trọng lượng nhỏ ở vòng trong cùng, cùng bộ đội chuyển vật liệu xây đảo. Vòng hai được bố trí các tàu vận tải. Vòng ngoài cùng bố trí các tàu có công suất lớn, cơ động nhanh để chi viện, tiếp tế, ứng cứu giữa các đảo trong cụm T3.

Chia tay trước giờ ra Trường Sa xây đảo của chiến sĩ đoàn M31 Công binh hải quân, ảnh tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu

Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, 70 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 131 Công binh Hải quân cùng lực lượng thuyền viên trên bốn tàu chuyển sắt thép, xi măng vào ba đảo Đá Lớn. “Đó là một cuộc chiến đấu với sóng biển và khí hậu khắc nghiệt vô cùng gian khổ. Ngày ấy tàu chưa có cẩu như bây giờ. Đá, sắt thép được chuyển bằng tay xuống xuồng, rồi được bộ đội đẩy vào đảo. Các đảo chìm đều có thềm san hô lan tỏa rộng ẩn trong lòng biển, các tàu phải neo phía ngoài để tránh mắc cạn. Ở cự ly 3 km, nếu thủy triều xuống thấp, vật liệu được chuyển vào đảo theo kiểu chuyền tay nhau. Thủy triều lên ngang bụng thì ôm đá ngầm trong nước, vật lộn với sóng lừng. Vật liệu nhiều, nhân lực ít phải chia ra nhiều bộ phận, nhiều dây chuyền”, ông Chức cho biết.

Trong khi bộ đội công binh xây đảo, thì Trung Quốc cho nhiều tàu chiến đấu giả dạng tàu cá lượn lờ, trinh sát ở các đảo chìm. Hòng đánh chiếm trái phép, tàu của họ đã thả “phao quả nhót” trôi tự do trên biển. Phía trên phao có dựng bia chủ quyền bằng nhựa. “Mục đích của âm mưu này là khi phao trôi dạt đến thềm san hô ở đảo nào, thì “nước ngoài” cho rằng đó là chủ quyền của họ. Tàu của họ sẽ nhanh chóng cơ động đến vị trí phao dạt ấy và đổ bộ chiếm đảo. Tàu chúng tôi đã phát hiện, hạ xuồng ra phá hủy, không cho phao của “nước ngoài” tiếp cận vào đảo. Khi “nước ngoài” đi tìm phao, mình đã phá hết, họ không còn bằng chứng để lấy cớ. Đây là thủ thuật chiếm đảo của “nước ngoài”, nhưng do ta nêu cao cảnh giác nên họ không làm gì được”, ông chức kể lại.

Khi hỏi về lực lượng chủ yếu xây đảo Đá Lớn lúc đó, ông Chức cho biết, đó là cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 131 Công binh Hải quân. Trước đó lực lượng này thuộc Lữ đoàn 147 (Hải quân đánh bộ đóng quân ở Yên Hưng Quảng Ninh). Sáng mồng Một Tết Mậu Thìn (tức ngày 16-2-1988) hành quân từ Quảng Ninh đến Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa (trước đây là tỉnh Phúc Khánh). Ngày 15-3-1988, cán bộ chiến sĩ hành quân đi Trường Sa theo tàu LCU (HQ-555). Đây dạng tàu “há mồm” của Vùng 5 Hải quân tăng cường, thiết kế chuyên chở hàng. Do không có phòng ngủ, tất cả cán bộ chiến sĩ phải “tùy địa hình ứng biến”.

Nước mắt và sóng biển

Như một sự diệu kỳ, giữa nắng gió Trường Sa khắc nghiệt, không phương tiện hiện đại, chỉ 12 ngày đêm, cán bộ chiến sĩ đã xây xong một ngôi nhà trên đảo Đá Lớn theo tiêu chuẩn cấp 3. Đây là ngôi nhà kiên cố đầu tiên trên quần đảo Trường Sa tính đến thời điểm ấy. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nền trời xanh biếc trong buổi chào cờ đầu tiên, tất cả mọi người nghẹn ngào xúc động. Một tốp chiến sĩ ôm lấy nhau mà vui cười sung sướng. Trong niềm vui ấy, khóe mắt ai cũng cay cay. Họ vui sướng vì từ đây chủ quyền Tổ quốc đã được vững vàng, họ khóc vì ngôi nhà thân yêu này được xây giữa ngàn khơi với tất cả mồ hôi công sức, bao lặng thầm, hi sinh, gian khổ.

Đảo Đá Lớn hôm nay. ảnh Mai Thắng

Nói về ngôi nhà kiên cố đầu tiên xây ở đảo Đá Lớn, Cục binh Trung tá Nguyễn Viết Chức chia sẻ: “Ngôi nhà kiên cố đầu tiên xây dựng trên đảo Đá Lớn năm 1988 ấy, không chỉ khẳng định ý chí làm chủ biển đảo Tổ quốc của bộ đội Hải quân Việt Nam, sức mạnh tinh thần tự vệ biển đảo, mà còn là bằng chứng công bố với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam, việc xây dựng bảo vệ quần đảo của mình là sứ mệnh của quân và dân Việt Nam chứ không phải là ai khác. Đảo Đá Lớn là đảo chìm đầu tiên mọc giữa đại dương”.

Sau ngôi nhà kiên cố đầu tiên hoàn thành ở đảo Đá Lớn, những người lính Đoàn M31 Công binh Hải quân lại tiếp tục nhận nhiệm vụ mới với tinh thần phấn khởi. Từ năm 1989, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Đoàn M31, Trung đoàn 83 tiếp tục cắm mốc và xây dựng nhà ở các đảo Tiên Nữ, Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử. Do nhiều công trình phải xây dựng khẩn trương, nên có phân đội công binh sau khi hoàn thành nhiệm vụ không về đất liền theo qui định, mà tiếp tục ở lại từ 2-3 năm để xây những công trình nhà ở các đảo khác. Có chiến sĩ 4 năm mới vào bờ một lần. Nhiều chiến sĩ được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhiều chiến sĩ được chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp phục vụ quân đội lâu dài. Có chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đi đào tạo Sĩ quan Công binh, sau đó trở lại đơn vị cũ, chỉ huy chiến sĩ ra Trường Sa xây đảo.

Hằn sâu trên khuôn mặt dạn dầy sương gió là chí khí mạnh mẽ của người lính Công binh Hải quân một thời vác đá xây đảo Tiên Nữ Song Tử, An Bang và Trường Sa Lớn. Ông bảo “Cuộc đời tôi gắn liền với Trường Sa và những công trình xây đảo, điều đọng lại trong tim tôi là tình đồng đội không bao giờ phai nhạt. Những ngày vác đá ném vào lòng biển, vật lộn với bão tố, sống với biển, ngủ trong lòng biển thật ý nghĩa. Đó là quãng đời đẹp nhất của đời lính”. Người lính ấy là cựu binh hải quân, Trung tá Phạm Văn Minh, nguyên đại đội trưởng đại đội 10, tiểu đoàn 884, trung đoàn 131 Công binh Hải quân.

Đón đọc tiếp: Kỳ 4 – Ký ức hoa lửa của cựu binh già

Mai Thắng

Bài liên quan
  • Trường Sa – Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió (Kỳ 2):  Một thời xây đảo
    Moitruong.net.vn – Để có quần đảo Trường Sa vững chãi giữa “vùng biển bão tố” như hôm nay, cách đây 45 năm về trước, những người lính hải quân trẻ tuổi ở Trung đoàn 83 và Trung đoàn 131 Công binh Hải Quân, đã gác lại tuổi thanh xuân của mình đi Trường Sa xây đảo. Ở giữa đại dương bao la ấy, họ trằn mình trong mưa rào, nắng lửa và đối mặt với bao gian khổ, thiếu thốn, khắc nghiệt của bão tố. Nhiều chiến sĩ đã gác lại tuổi thanh xuân, để rồi sau nhiều ngày chạy đua với sóng gió, những “loa thành” mang dáng hình Tổ quốc đầu tiên mang tên Trường Sa mọc giữa biển Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Trường Sa – Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió (Kỳ 3): Hiến thân mình vì chủ quyền Tổ quốc
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.