Trường Sa – Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió (Kỳ 5): Liệt sĩ Trường Sa

Mai Thắng|25/04/2020 01:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Kỷ niệm 45 năm giải phóng quần đảo Trường Sa, hơn 90 triệu dân trên mọi miền đất nước, vọng tưởng, tri ân hàng ngàn người con ưu tú đã anh dũng ngã xuống vì hòa bình dân tộc, trong đó có các liệt sĩ Trường Sa. Các anh ngã xuống cho Tổ quốc nở hoa, cho Trường Sa trường tồn bất diệt. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những người đã ngã.

Nghĩa trang xanh, nơi các anh yên nghỉ

Trên vùng biển Cô Lin của quần đảo Trường Sa, có một nghĩa trang xanh – nơi chôn vùi xương cốt của 64 người lính Trường Sa bị Hải quân Trung Quốc thảm sát ngày 14-3-1988. Đó là 64 người con của Tổ quốc Việt Nam đã hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho bình yên biển, đảo, vì một Trường Sa thân yêu, vì sự trường tồn của Tổ quốc giữa biển khơi.

Gọi là nghĩa trang xanh, bởi các anh ngã xuống tuổi đời còn rất trẻ, để lại sau lưng bao hoài bão, lý tưởng, ước mơ và nhựa sống của người lính biển thời bình. Nghĩa trang đặc biệt ấy không có phần mộ như trên đất liền, không có bia tưởng niệm, không có phần đất, mà mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu lúc nổi lên giữ dội, lúc hiền hoà lặng lẽ như những nhành san hô nằm dưới đáy biển sâu. Máu các anh hòa lẫn đại dương, thân các anh hóa vào lòng biển, để mỗi lần đi qua nghĩa trang đặc biệt ấy, linh hồn các chiến sĩ đang ẩn hiện đâu đây, hòa vào tiếng sóng, tiếng gió thành bản tình ca, nhắc nhở thế hệ chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ biển, đảo – một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc không thể tách rời.

Tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trên tại Trường Sa

Lần đầu tiên đến nghĩa trang xanh, cầm nhành huệ trắng thả xuống đại dương, chị Trần Thị Thủy, người con gái duy nhất của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương nghẹn ngào nước mắt: “Ba ơi, con đến thăm ba đây. Mẹ vẫn không thể nguôi ngoai được, kể từ ngày ba nằm lại Gạc Ma”. Nước mắt người con gái chảy tràn trên má, hòa vào sóng nước. Chị đưa tay đỡ tràng hoa cùng các chiến sĩ thả xuống biển trong niềm đau vô bờ. Còn anh Nguyễn Huy Tưởng, phóng viên báo Nông thôn Ngày nay nghẹn giọng nói với chúng tôi: “Sự hi sinh của các liệt sĩ là tấm gương ngời sáng về đức quên mình và tình yêu Tổ quốc. Từ chuyến đi này, tôi phải soi lại mình từ câu chuyện kể về các liệt sĩ. Tôi biết mình phải làm gì để xứng đáng với các anh”.

Cũng trong niềm tri ân tưởng vọng biết ơn các liệt sĩ, phóng viên Bích Thủy báo Nhân dân Cuối tuần dâng tràn xúc động “Chỉ đứng dưới tàu nhìn lên nhà giàn thôi em đã không cầm được nước mắt. Vậy mà những năm qua, xương cốt của các anh vẫn nằm lạnh cóng dưới đáy biển. Sự hi sinh không thể nói hết bằng lời”.

 Khúc tưởng niệm tháng tư

Chiều cuối tuần, trên con tàu HQ-936 của Vùng 4 Hải quân, đoàn công tác chúng tôi hải trình đến vùng biển, đảo Cô Lin, Gạc ma làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ. Chẳng ai bảo ai, tự trong trái tim mỗi người dâng tràn xúc động. Chúng tôi nhìn về phía đảo Gạc Ma xót xa. Nơi ấy, 64 linh hồn liệt sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 vẫn lạnh cóng tận đáy san hô. Nhiều phóng viên nghẹn ngào, còn các chiến sĩ rơm rớm nước mắt.

Tuần tra bảo vệ đảo

Giữa biển trời Tổ quốc, mùi khói hương nghi ngút, tiếng nhạc chiêu hồn tử sĩ thiết tha. Chúng tôi xếp thành hàng lặng lẽ trên boong tàu. Trong cơn giông cuối chiều, tiếng trưởng đoàn công tác thăm thẳm sâu quện vào sóng nước. “Đảo Trường Sa là của Việt Nam, là linh hồn Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây, bao người con ưu tú của Tổ quốc đã chiến đấu anh dũng, hi sinh, giành giật từng tấc đảo và bảo vệ những phiến đá kiến tạo qua hàng nghìn năm lịch sử được cha ông ta giữ gìn từ lâu đời. Không để cướp đảo thân yêu, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã giằng co quyết liệt, cắm cờ Tổ quốc lên đảo để khẳng định cột mốc chủ quyền. Lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân thêm một lần nữa lại tô thắm máu đào của 64 liệt sĩ. Tiếng nói của anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương sẽ mãi khắc sâu trong tâm khảm của triệu triệu người dân Việt Nam, từ thế hệ này qua thế hệ khác: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”. Quyết không đầu hàng địch trước họng súng quân thù, binh nhất Trần Thiên Phụng đã thét vào mặt chúng rằng: “Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng”. Tiếng nói ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là một tuyên ngôn bất tử về Trường Sa – tuyên ngôn của thế hệ trẻ hôm nay không sợ hi sinh gian khổ, quyết đem cả tính mạng của mình bảo vệ từng tấc đất, sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc”.

Trưởng đoàn công tác xúc động. Ông gạt nước mắt sau tròng kính. Giọng ông chùng xuống như nói với những liệt sĩ Trường Sa đang nằm dưới đáy biển sâu: “Các anh đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho muôn ngàn sóng bể, để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu các anh hòa lẫn biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng biển, đảo, tên các anh được Tổ quốc vinh danh. Sự hi sinh của các anh, là nguồn cội để thế hệ trẻ hôm nay tự hào, tiếp bước, và noi gương”.

Cả đoàn chúng tôi bật khóc. Từ mái tóc bạc phơ đến mái đầu xanh; từ những người vào sinh ra tử qua hai cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính. Từ những người lăn lộn với biển, đảo sống sót trở về đến những người lần đầu tiên đến nghĩa trang xanh này đều không cầm được nước mắt, khi thắp hương tưởng vọng linh hồn các liệt sĩ. Giọt nước mắt khóc cho các anh xuống hôm qua, là mạch nguồn kết nối triệu triệu trái tim người dân đất Việt hôm nay, tạo thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, để cùng nhau bảo vệ từng sải sóng, từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới. Khúc tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa hôm nay, cũng là khúc tưởng niệm của toàn dân tộc, là tiếng nói tri ân của hơn 90 triệu người dân Việt Nam đối với các anh hùng liệt sĩ.

Sức mạnh Trường Sa

Trường Sa hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới. Doi cát vàng nhỏ nhoi giữa biển 45 năm trước là khô cằn sỏi đá, nay là hàng trăm công trình dân sinh trên đảo, mà chủ nhân của nó là cán bộ, chiến sĩ Trường Sa – những người khoác trên mình màu xanh của biển đang ngày đêm vững tay lái, chắc tay súng canh chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

Chiến sĩ Trường Sa Lớn diễu duyệt đội ngũ

Lịch sử đã sang trang mới, đất nước thanh bình lặng im tiếng súng, nhưng những người lính Trường Sa chưa một phút bình yên. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa bão tố, các anh luôn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết nắng quanh năm, gió bốn mùa rát mặt. Luôn phải đối mặt với sự rình rập của kẻ thù nhòm ngó. Song dù nắng đốt cháy da người, bão tố cuồng phong có thể làm “những pháo đài” sạt lở, gian khổ có thể làm cho mái đầu thêm nhiều tóc bạc, nhưng có một sức mạnh không gì lay chuyển được đó là tinh thần dũng cảm của bộ đội Trường Sa trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là chí khí “một tấc không đi, một ly không rời”; đó là giữ Trường Sa bằng trái tim người lính biển.

Nước mắt của ngày hôm qua, nay là nụ hoa bên cây súng, mà người lính Trường Sa đang đứng gác trong gió gào sương lạnh canh biển đảo yên bình. Bi tráng ngày hôm qua, là sức mạnh của ngày hôm nay. Sức mạnh ấy được xây dựng từ máu xương của 64 anh hùng liệt sĩ Trường Sa. Sức mạnh đó đúc kết từ sự hi sinh bi tráng và sứ mệnh, niềm kiêu hãnh của người lính biển thời bình, dẫu lính Trường Sa, DK1 thấu hiểu chiến tranh hay thời bình, nỗi vất vả gian lao bao giờ cũng đặt lên vai người lính.

Trường Sa hôm qua là sỏi đá, nay là thị tứ sầm uất giữa ngàn khơi. Ở đó, mỗi ngọn cỏ, nhành hoa; mỗi ngôi nhà ngọn sóng đều mang dáng hình Tổ quốc.

Sau 45 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành kể từ ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Trường Sa đã từng bước thay da đổi thịt và ngày càng phát triển là nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chung lưng góp sức của quân và dân trên mọi miền Tổ quốc. Trường Sa của hôm nay, không chỉ có “điện, đường, trường, trạm”, một màu xanh của hàng nghìn loài cỏ cây, hoa lá cùng những ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới san sát kề nhau, trẻ em tíu tít tới trường bi bô học chữ mà Trường Sa của hôm nay đã in đậm trong trái tim của triệu triệu người dân đất Việt.

Đón đọc tiếp: Kỳ cuối – Không xa đâu Trường Sa ơi!

Mai Thắng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa – Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió (Kỳ 5): Liệt sĩ Trường Sa