TS. Phạm Duy Nghĩa: Báo chí và sứ mệnh phản ánh sự thật

Lương Nguyễn|21/06/2020 01:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong xã hội hiện đại, việc tiếp cận thông tin luôn đa dạng và đa chiều. Tuy nhiên, báo chí truyền thống vẫn luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng dư luận xã hội. Để làm được điều này, báo chí luôn cần phải thông tin khách quan, trung thực, toàn diện, nhân văn và kịp thời.

Trung tá Phạm Duy Nghĩa – Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội.

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn, TS. Phạm Duy Nghĩa – Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Anh đã chia sẻ những kinh nghiệm trong sáng tác cũng như vai trò của người phụ trách nội dung tờ tạp chí vẫn được bạn đọc coi là số 1 trong đời sống văn học nước nhà.

Mỗi tác phẩm là sự tổng hòa của cảm hứng nghệ sĩ và tư duy khoa học

Với những độc giả yêu truyện ngắn, đặc biệt những ai từng say mê Cơn mưa hoa mận trắng – tác phẩm giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 2003-2004 của Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) sẽ nhớ ngay đến tên tuổi của Phạm Duy Nghĩa. Đọc truyện của anh chàng giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai ngày ấy, bạn đọc luôn được sống trong thế giới của núi rừng lung linh, huyền ảo. Đúng như Phạm Duy Nghĩa từng chia sẻ: “Miền núi, tự bản thân nó đã đẹp, nên văn cũng phải đẹp cho xứng đáng với nó. Viết về miền núi mà nhạt nhòa, không thấy cái tươi xanh hùng vĩ của nó ở đâu, thì tự thấy xấu hổ với chính thiên nhiên miền núi…”

Hơn mười năm làm nghề dạy học, gắn bó với vùng biên ải Lào Cai là những trải nghiệm quý giá của nhà văn họ Phạm và là chất liệu độc đáo làm nên những trang viết đẹp. Thế nhưng, với suy nghĩ “chẳng lẽ đời mình làm mãi một nghề, ở mãi một chỗ”, anh học lối xê dịch của tiền nhân và tự bứt mình ra khỏi môi trường sống quen thuộc đã gắn bó nhiều năm tháng, cũng chính là vùng đất giàu bản sắc đã khai sinh và nuôi dưỡng văn chương của anh. Giờ đây không còn là thầy giáo Phạm Duy Nghĩa nữa, bỏ rừng về phố anh đã là nhà văn mặc áo lính tại ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế – một địa chỉ văn chương quen thuộc với bạn viết, bạn đọc cả nước, nơi được coi là “ngôi đền thiêng của văn học Việt Nam” hơn sáu thập kỷ qua.

Tuy vậy, tình yêu với một miền đất vẫn nguyên vẹn trong anh như thuở ban đầu. Miền đất ấy không phải một vùng trung du mênh mông đồi cọ, không phải làng mạc trù phú đồng bằng, càng chẳng là cảnh mây nước bao la miền biển hay miệt vườn kênh rạch uốn lượn phương Nam, mà là một vùng núi cao thẳm xanh Tây Bắc, nơi có dãy Hoàng Liên hùng vĩ với đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nơi có Sa Pa với tuyết trắng hoa đào. Dù đã rời núi cao về với Hà thành, hầu hết các truyện ngắn của anh vẫn thủy chung với đề tài miền núi. “Mỗi nhà văn đều có vùng đất riêng của mình để gắn bó, nơi họ đã để tâm hồn ở lại, nơi họ đã coi như một cõi đi về. Dù có đến một phương trời mới, với họ chỉ là sự thay đổi không gian sống và làm việc, còn trái tim họ mãi mãi đập trong miền ký ức không phai nhạt của mình” – nhà văn Phạm Duy Nghĩa chia sẻ. Một điều thú vị là, anh đã từng viết truyện về nước ngoài, chẳng hạn Chiếc áo second-hand viết về miền trung Italia, nhưng không gian trong đó vẫn là… miền núi.

>>>Xem thêm: Tự hào nghề báo – Kỉ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6

Đọc truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, độc giả không thấy sự đơn điệu, nhàm chán. Truyện của anh đa phong cách, đa sắc màu và hấp dẫn. Có lẽ bởi chiều sâu trong từng tác phẩm được dệt nên từ cảm xúc thăng hoa, bay bổng của người nghệ sĩ hòa quyện với tư duy sắc sảo, khúc chiết của người làm công việc nghiên cứu. Anh nói, “Khi sáng tác, dù rất phóng túng trong hư cấu, tưởng tượng (đặc biệt ở những truyện kì ảo), từng chi tiết nhỏ trong truyện đều được tôi tính toán cẩn thận, chính xác với tư duy khoa học”. Minh chứng cho điều này, nhà văn chia sẻ quá trình sáng tác truyện ngắn Đi về vùng thảo nguyên – tác phẩm viết về phong tục Tết của người Thái và người Mèo ở Sơn La, “Đơn giản như khi tả hoa mận nở trắng vùng cao, tôi cũng phải tìm hiểu quá trình sinh trưởng và phát triển của nó. Cây ra hoa vào thời điểm nào và kéo dài trong bao lâu, trước hay sau tết Nguyên đán, lúc trời ấm hay lạnh, nở sau hay trước hoa mơ, màu nhụy và cánh hoa khác hoa mơ ở điểm nào. Viết về người Mông, tôi cũng tra cứu xem có những ngành Mông nào, mỗi ngành có đặc điểm gì, những họ nào không được lấy nhau…”.

Và cũng chính phẩm chất nhà văn hài hòa với tư duy của nhà khoa học cùng tính mực thước cẩn trọng của nhà giáo đã tạo nên một phong cách hoạt động báo chí rất đặc trưng của Phạm Duy Nghĩa. “Với vai trò là Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung của tờ tạp chí Văn nghệ quân đội, nhiệm vụ của tôi là phải đọc kĩ tất cả các bài cho một số tạp chí gồm văn xuôi, thơ, nghiên cứu phê bình. Trong đó, tư duy khoa học, sự chính xác khoa học cả về thực tiễn và văn bản luôn được quán triệt. Dù mở cửa, dung nạp mọi khuynh hướng, phong cách, thể nghiệm văn chương, nhưng chúng tôi không chấp nhận bất cứ lỗi nào, sai sót nào thuộc về kiến thức cũng như ngôn ngữ, văn phạm. Chẳng hạn, lẫn lộn chức năng, trang phục của lực lượng hải quân với cảnh sát biển hay kiểm ngư là không được; lẫn lộn các đặc điểm của dân tộc Thái, Mông, Tày ngay trong một nhân vật là không được… Trong những truyện ngắn, bút kí các tác giả gửi in ở tạp chí của chúng tôi vừa mới có chuyện nhầm lẫn đó đấy. Nếu không “soi từng chữ” sẽ để lọt lưới những chi tiết sai thực tế như vậy. Người làm báo, nhất là làm quản lí báo chí ngoài tính cẩn trọng cũng cần có kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau”.

Sứ mệnh của báo chí là phản ánh sự thật

Trong thời đại công nghiệp 4.0, người người có thể làm báo, cách tiếp cận thông tin cũng trở nên đa dạng nhưng báo chí truyền thống vẫn có vai trò chủ đạo trong định hướng dư luận xã hội. Để có được thành công này, mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí đều cần nắm vững và tuân thủ nguyên tắc của nghề báo: khách quan, trung thực, nhân văn, trách nhiệm và kịp thời.

Nhà văn, TS. Phạm Duy Nghĩa: Báo chí và sứ mệnh phản ánh sự thật.

Chia sẻ về điều này, nhà văn, TS. Phạm Duy Nghĩa cho biết: Văn nghệ quân đội là tạp chí của lực lượng vũ trang trực thuộc Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy, nội dung của tạp chí luôn bám sát đường lối, quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật, phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ chiến sĩ trong toàn quân cũng như bạn đọc cả nước. Mỗi tác phẩm in trên tạp chí đều hướng tới tính mẫu mực, hướng đến giá trị văn chương đích thực, có giá trị giáo dục, nhân văn, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của độc giả đương thời. Mỗi tác phẩm được chọn in trên tạp chí phải qua 5 bước đọc duyệt từ biên tập viên đến trưởng ban, thư ký tòa soạn, phó tổng biên tập và tổng biên tập.

Người làm báo phải năng động, nhạy bén, phải đi sâu vào đời sống xã hội, nắm bắt và đưa tin kịp thời, luôn giữ gìn đạo đức nhà báo – trung thực, nhân văn – và là người có hiểu biết sâu rộng ở nhiều lĩnh vực để phản ánh hiện thực đa chiều, tôn trọng sự thật khách quan, viết đúng sự thật.

Xin cảm ơn Nhà văn Phạm Duy Nghĩa! Chúc anh luôn mạnh khỏe, có thêm nhiều sáng tác hay và thành công hơn nữa trong vai trò là Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội!

Lương Nguyễn

Bài liên quan
  • Nhà báo Lê Anh Đạt: Nghề báo – Dễ mà khó
    Moitruong.net.vn – Báo chí được xem là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi người làm nghề phải có phẩm chất cá nhân, luôn năng động, sáng tạo và cần sự trải nghiệm không ngừng. Để trở thành nhà báo thực thụ, đòi hỏi người theo nghề phải có phông kiến thức nền sâu rộng, kiến thức thực tiễn phong phú, lòng đam mệ, sự bền bỉ và sự dấn thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS. Phạm Duy Nghĩa: Báo chí và sứ mệnh phản ánh sự thật