Bên cạnh các yêu cầu kỹ thuật thăm dò, đề án thăm dò cát, sỏi lòng sông phải bổ sung dự báo các tác động tới lòng, bờ, bãi sông, trong đó có các hiện tượng xói lở, sụt lún, xói mòn, sạt lở bờ sông, lòng sông.
Về yêu cầu kỹ thuật, theo Thông tư 02/2024/TT-BTNMT, công trình thăm dò đều phải xác định tọa độ, độ cao theo hệ tọa độ, độ cao Quốc gia (đảm bảo không chồng lấn với: khu vực thăm dò khác, khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khai thác tại thực địa). Cùng với đó, tùy theo diện tích, mức độ phức tạp về địa hình của mỏ và mục đích sử dụng, địa hình mỏ phải được đo vẽ ở tỷ lệ 1: 5.000 hoặc lớn hơn.
Ngoài ra, công trình thăm dò phải được chọn phù hợp với cấu tạo và chiều dày các thân khoáng, đặc điểm địa hình; Mạng lưới các công trình thăm dò thiết kế theo quy định; Công trình khoan (nếu có) phải bảo đảm tỷ lệ mẫu lõi khoan lấy được qua các thân khoáng không dưới 70%.
Đồng thời, công trình như: giếng, hào, hố, moong khai thác, các vết lộ tự nhiên và nhân tạo trong khu vực thăm dò đều phải được thu thập tài liệu, thành lập thiết đồ theo quy định hiện hành và thể hiện vị trí trên bản đồ tài liệu thực tế.
Đối với công tác địa chất thủy văn, địa chất công trình: Công tác đo vẽ địa chất thủy văn đối với mỏ không ngập nước phải xác định lượng sơ bộ lượng nước chảy vào mỏ, khả năng tháo khô khu mỏ. Đối với mỏ ngập nước phải dự kiến ảnh hưởng của hoạt động khai thác đến dòng chảy của sông; Căn cứ vào kết quả mẫu cơ lý, các khu vực có điều kiện địa chất công trình tương tự, xác định góc dốc bờ moong định hướng cho khai thác.
Về dự báo các tác động tới lòng, bờ, bãi sông: Đề án thăm dò cát, sỏi lòng sông phải lập trạm quan trắc hoặc thu thập số liệu về thủy - thạch động lực chế độ thủy văn đặc trưng theo mùa, dữ liệu hiện trạng tốc độ lắng đọng trầm tích đáy; Khảo sát hiện trạng hoặc thu thập số liệu về tai biến địa chất, trong đó có các hiện tượng xói lở, sụt lún, xói mòn, sạt lở bờ sông, lòng sông.
Đồng thời, thiết lập mô hình tính toán để mô phỏng các quá trình thủy động lực (mực nước, dòng chảy), vận chuyển bùn cát và biến động hình thái sông (xói lở, bồi tụ) và lan truyền vật chất lơ lửng do hoạt động khai thác gây ra để xác định khối lượng cát, sỏi bồi lắng dự kiến và khoảng cách, độ sâu, công suất khai thác hợp lý.
Theo Thông tư 02/2024/TT-BTNMT, “nội dung, hình thức trình bày các tài liệu của báo cáo kết quả thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp thực hiện theo quy định về trình tự, thủ tục trình duyệt, thẩm định, xét và phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản ban hành kèm theo Thông tư số 45/2016/TT- BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đề án thăm dò khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản và mẫu báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản; mẫu văn bản trong hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản; trình tự, thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản”.
Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục Địa chất Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư này.
Trong trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo quy định mới”.
Ngoài Điều 1 sửa đổi, bổ sung, Thông tư 02/2024/TT-BTNMT còn 2 Điều nữa, cụ thể:
Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp
Tổ chức, cá nhân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp giấy phép.
Đề án thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa thẩm định, cấp giấp phép thăm dò thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.
Điều 3. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 6 năm 2024.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.