Tài nguyên và phát triển

Khoảng 1 triệu loài đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng: Cảnh báo khẩn cấp từ Liên hợp quốc

Lan Hạ 16/07/2025 09:00

Liên hợp quốc cảnh báo thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu về đa dạng sinh học khi khoảng 1 triệu loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, trong bối cảnh thiên nhiên suy thoái chưa từng có.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ về tốc độ suy thoái “chóng mặt” của thế giới tự nhiên, đồng thời kêu gọi hành động khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế.

“Đa dạng sinh học là nền tảng của sự sống và là trụ cột cho phát triển bền vững. Thế nhưng, nhân loại đang tàn phá nó với tốc độ chưa từng có – do ô nhiễm, khủng hoảng khí hậu, phá hủy hệ sinh thái và lối sống tiêu dùng ngắn hạn, thiếu bền vững,” ông Guterres nhấn mạnh.

dsh.jpg
Tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã

Tổng Thư ký cũng cảnh báo rằng không quốc gia nào, dù giàu có hay hùng mạnh, có thể tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng này, hay có thể phát triển thịnh vượng nếu thiếu đi sự phong phú sinh học vốn làm nên sự sống trên Trái đất.

Tình trạng báo động này được phản ánh rõ qua những con số đáng lo ngại: hiện có khoảng một triệu loài đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng; 75% hệ sinh thái trên đất liền và hai phần ba môi trường biển đã bị con người tác động nghiêm trọng. Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, ít nhất 8 trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Guterres kêu gọi các quốc gia nhanh chóng triển khai Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Kunming-Montreal - thỏa thuận lịch sử nhằm chặn đứng và đảo ngược suy giảm sinh học vào năm 2030. Việc này bao gồm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia, tăng tài chính cho bảo tồn thiên nhiên, loại bỏ các khoản trợ cấp gây hại, cũng như hỗ trợ cộng đồng địa phương, người dân bản địa, phụ nữ và thanh niên.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đa dạng sinh học là điều kiện để đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế, sức khỏe và khả năng thích ứng với khí hậu. Có khoảng 3 tỷ người đang phụ thuộc vào cá làm nguồn cung cấp 20% lượng protein động vật, và 80% dân số nông thôn tại các nước đang phát triển dựa vào dược liệu có nguồn gốc thực vật. Trong khi đó, việc phá hủy môi trường sống tự nhiên đang làm gia tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người – một yếu tố then chốt trong sức khỏe toàn cầu.

“Chỉ khi sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững, nhân loại mới có thể tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả,” ông Guterres kêu gọi, đồng thời nhấn mạnh chủ đề năm nay của Ngày Quốc tế Đa dạng Sinh học: “Cùng sống hòa hợp với thiên nhiên”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khoảng 1 triệu loài đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng: Cảnh báo khẩn cấp từ Liên hợp quốc
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.