(Moitruong.net.vn) – Sáng 21/4, lễ kỷ niệm 1978 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 1975 năm ngày Hai Bà về cõi vĩnh hằng, Lễ hội đền Hát Môn đã được tổ chức tại đền Hát Môn (Phúc Thọ, Tp. Hà Nội).
Khởi nghĩa thành công, Trưng Trắc được suy tôn, xưng là Trưng Nữ Vương
Lễ hội đền Hát Môn được tổ chức từ mùng 4 – 6 tháng 3 Âm lịch hằng năm, nhằm tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Lễ rước bánh trôi; lễ dịch phục, rước văn, rước lễ làng, Tế tứ xã… và các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc, trong đó, điểm nhấn là lễ rước bánh trôi của dân làng dâng lên Hai Bà.
Theo phong tục, hằng năm, dân làng đều chọn một gia đình con cháu đề huề, đủ vợ đủ chồng, hòa thuận, đức độ… làm nhà chứa lễ để dân làng đến làm bánh trôi dâng cúng Hai Bà. Bột làm bánh phải là nếp cái hoa vàng thượng hạng, thơm ngon. Nước làm bánh được lấy từ giếng thiêng trong làng. Món bánh này, đối với người dân nơi đây là một thứ bánh Thánh.
Vào những năm đầu sau Công nguyên, nước ta bị phong kiến Đông Hán đô hộ với nhiều chính sách cai trị hà khác. Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị ở Phong Châu, vốn dòng dõi Lạc Hồng, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có chí phục quốc, có tư chất thông minh, lại sớm được cha và thầy truyền dạy binh thư võ nghệ, Hai Bà là người giỏi võ công, văn tự và giàu lòng yêu nước thương dân.
Không thể đứng nhìn cảnh nhân dân lầm than, Hai Bà đã quyết tâm chiêu mộ nghĩa quân, chọn đất thiêng Hát Môn để tụ nghĩa. Mùa xuân Canh Tý (năm 40 sau công nguyên) tại bãi Tràng Xa cửa sông Hát Giang, Hai Bà Trưng đã lập đàn thề phát động khởi nghĩa.
Cảm sâu công đức Hai Bà, dân làng Hát Môn đã lập đền thờ, lúc đầu là tranh tre, nứa lá, qua nhiều thời đại được xây dựng nâng cấp như hiện nay. Gần 2000 năm đã qua với bao thăng trầm của lịch sử, Đền Hát Môn vẫn tồn tại uy nghiêm và cổ kính, trở thành nơi gửi gắm tâm linh, giao lưu văn hoá, sinh hoạt lễ hội truyền thống của nhân dân Hát Môn, nhân dân Phúc Thọ và nhiều địa phương trong cả nước.
Bạch Dương