Tuy An, Phú Yên: Cơ sở đóng tàu thuyền gây ô nhiễm, người dân điêu đứng

Minh Tuấn|01/02/2019 03:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vừa qua, tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn có nhận được đơn phản ánh của bà Phạm Thị Bích Kiều trú tại thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nội đơn phản ánh như sau: Gia đình bà Kiều có 2 hồ nuôi tôm, tổng diện tích 5000 m2 tại xóm Giả, thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây. 2 Hồ tôm này được gia đình bà xây dựng từ những năm 1990 và hoạt động liên tục cho năng suất cao, vì vậy đã cải thiện điều kiện kinh tế của gia đình.

– Hơn 10 năm qua, người dân sinh sống tại thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đang phải sống khốn khổ do cơ sở sửa chữa, đóng tàu thuyền hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Không những ảnh hưởng tới sức khỏe, mà người dân nơi đây còn phải gánh chịu thiệt hại nhiều về kinh tế khi cơ sở sửa chữa, đóng tàu này thường xuyên xả thải bụi độc hại ra hồ nuôi tôm, khiến tôm bị chết. Người dân đã làm đơn kiến nghị nhiều lần tới chính quyền địa phương và huyện Tuy Hòa nhưng sự việc vẫn không được xử lý triệt để.

>> Quận 9 (Tp. Hồ Chí Minh): Hàng loạt trạm trộn bê tông “bức tử” môi trường, tra tấn người dân, chính quyền ở đâu?

>> TP. Hồ Chí Minh: Công ty nệm Vạn Thành xả khí thải “bức tử” môi trường

>> Long An: Công ty xử lý chất thải nguy hại Ngọc Tân Kiên “tra tấn” người lao động bằng khí thải ô nhiễm

Cơ sở sửa chữa, đóng tàu của gia đình ông Lê Đậu và bà Lê Thị Diệu bị người dân tố cáo trong quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân nhưng không bị các cơ quan chức năng xử lý

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hồ nuôi tôm của gia đình bà luôn bị đe dọa bởi ô nhiễm môi trường do 2 cơ sở sửa chữa, đóng tàu thuyền của ông Lê Đậu và bà Lê Thị Diệu hoạt động gây ra. Năng suất chất lượng tôm bị giảm gây thiệt hại về kinh tế, có những vụ tôm nuôi được hơn 2 tháng nhưng do bị ô nhiễm của 2 cơ sở đóng tàu này nên tôm chết, gia đình bà phải thu hoạch sớm, bị lỗ vốn.

Sau khi bị thiệt hại về kinh tế do 2 cơ sở sửa chữa tàu thuyền này gây ra, gia đình bà đã nhiều lần sang đề nghị 2 cơ sở trên phải có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phải che đậy thật kín để bụi matit không thổi sang hồ nuôi tôm nhà bà, nhưng những lời đề nghị đó không được đáp ứng. Hằng ngày 2 cơ sở sửa chữa tàu thuyền này vẫn vô tư xả khí thải và bui sang hồ nuôi tôm của gia đình bà.

Bụi trong quá trình đánh bả matit tàu thuyền phủ trắng cây, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân sinh sống liền kề

Trao đổi với PV Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, ông Đinh Cao Trí – Chồng bà Phạm Thị Bích Kiều bức xúc cho biết: “Gia đình chúng tôi không ngăn cản hay gây khó khăn gì đối với hoạt động sửa chữa, đóng tàu thuyền của gia đình ông Lê Đậu và bà Lê Thị Diệu. Chúng tôi chỉ yêu cầu họ hoạt động thì phải chấp hành các quy định về môi trường, không được xả thải ô nhiễm ra môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống và quá trình nuôi tôm của gia đình chúng tôi. Sau rất nhiều lần sang nói chuyện tình cảm nhưng ông Lê Đậu và bà Lê Thị Diệu vẫn không tiếp thu nên gia đình tôi đã làm đơn gửi tới chính quyền địa phương đề nghị can thiệp. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lần nhưng huyện Tuy An cũng không chỉ đạo giải quyết dứt điểm.”.

“Đặc biệt từ tháng 10/2018 đến nay, tại 2 cơ sở này có rất nhiều ghe thuyền đang kéo lên chà sơn, tu sửa, trong đó có nhiều chiếc làm vỏ bằng trét bột matit, sau đó thợ dùng máy chà matit làm phát sinh rất nhiều bụi bẩn, bụi phát tán vào không khí theo gió bấc bay rất nhiều sang hồ đang nuôi tôm của tôi tạo thành một lớp váng bụi màu trắng gây ô nhiễm nước trong hồ, làm cho tôm nuôi bị ngộ độc, phát bệnh chết.”. Ông Trí cho biết thêm.

Bụi matit trong quá trình sửa chữa tàu thuyền đã bao phủ gần hết hồ nuôi tôm của gia đình bà Kiều khiến tôm chết

Được biết, sau nhiều lần nhận được ý kiến phản ánh của gia đình bà Kiều tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Hội đồng nhân dân, UBND huyện Tuy An có giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường xuống kiểm tra 2 cơ sở sửa chữa, đóng tàu thuyền này, qua quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm trọng việc thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các cơ sở này phải xây tường rào cao 3,5 mét và có biện pháp ngăn chặn bụi sơn sang hồ nuôi tôm nhà bà Kiều xong trước 30/12/2018. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn trên, 2 cơ sở này vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Phải chăng 2 cơ sở sửa chữa, đóng tàu thuyền này đang có thế lực nào “chống lưng” nên mới coi thường pháp luật như vậy? Chính quyền địa phương và UBND huyện Tuy An đã làm hết trách nhiệm của mình? Đề nghị các cơ quan chức năng và cảnh sát môi trường tỉnh Phú Yên vào cuộc làm rõ và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với 02 cơ sở sửa chữa, đóng tàu thuyền này.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Minh Tuấn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tuy An, Phú Yên: Cơ sở đóng tàu thuyền gây ô nhiễm, người dân điêu đứng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.