Theo đó, dự kiến thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT từ ngày 15/6 đến 30/6. Sở GD-ĐT, các điểm thu nhận hồ sơ sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh; nhập thông tin đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển đợt 1 của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về Sở GD-ĐT trước ngày 20/7.
Các trường tổ chức xét tuyển thẳng thí sinh theo quy định, cập nhật danh sách trúng tuyển vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và gửi kết quả xét tuyển thẳng cho các Sở GD-ĐT để thông báo cho thí sinh trước ngày 20/8.
Trước ngày 5/9, thí sinh trúng tuyển thẳng gửi Hồ sơ và xác nhận nhập học tại các trường
Trước ngày 7/9, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe.
Trước ngày 8/9, các trường điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang thông tin điện tử của trường.
Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển dự kiến từ ngày 9/9 đến 17h ngày 16/9 với hình thức trực tuyến và từ 9/9 đến 18/9 với hình thức điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển.
Trước 17h ngày 20/9, thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và đề nghị điều chỉnh sai sót nếu có (chỉ áp dụng đối với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phiếu)
Các trường sẽ công bố kết quả xét tuyển đợt 1 dự kiến trước 17h ngày 27/9.
Sau khi có thông báo trúng tuyển của trường, thí sinh phải xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 3/10 (tính theo dấu bưu điện).
Từ 8/10 đến hết tháng 12/2020, các trường còn thiếu chỉ tiêu sẽ xét tuyển bổ sung.
Trước ngày 28/2/2021, các trường báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2020.
Cũng theo hướng dẫn này, Bộ lưu ý, mức điểm ưu tiên được tính theo thang điểm 10 trên tổng điểm tối đa của 3 bài thi/môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30. Nếu trường xét tuyển với thang điểm khác với thang điểm này (ví dụ trường nhân hệ số môn chính trong tổ hợp xét tuyển) thì phải quy đổi mức điểm ưu tiên tương ứng với thang điểm mới và công bố trong Đề án tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự thi.
Ngoài ra, các quy định “điểm xét tốt nghiệp” trong quy chế được hiểu là một điều kiện (ngưỡng đảm bảo chất lượng) để thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Trường không được sử dụng để làm căn cứ xét tuyển trực tiếp. Quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định “điểm xét tốt nghiệp” đã bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng, mức ưu tiên không giống với mức ưu tiên trong Quy chế tuyển sinh.
Để tránh việc thí sinh cộng điểm ưu tiên 2 lần, nếu trường sử dụng “điểm xét tốt nghiệp” để xét tuyển, thì phải trừ đi điểm ưu tiên đã được cộng vào trong “điểm xét tốt nghiệp” sau đó mới cộng thêm ưu tiên theo quy định của Quy chế tuyển sinh để xét tuyển.
Minh Anh