Sáng nay (13/10), tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Sau phần trình bày Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện Đoàn giám sát chuyên đề trình bày báo cáo ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận.
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ cùng một số cơ quan hữu quan.
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Tại các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu cao nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia.
Các địa phương đã chủ động ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình với quyết tâm chính trị cao nhất phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; đồng thời, đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập 01 Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Quản lý cấp xã, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban phát triển thôn để phân công, phân cấp, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tại các cấp…
Về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Công tác nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, rà soát mặt bằng pháp lý trong xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chưa được tiến hành đồng bộ, kỹ lưỡng ngay từ trước khi ban hành chính sách, quy định, dẫn đến tình trạng còn có một số chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.
Bên cạnh đó, tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại cả trung ương và các cấp tại địa phương còn chậm; công tác xây dựng kế hoạch, nhiều địa phương chưa chủ động chuẩn bị tốt việc xác định nhu cầu danh mục, nguồn lực đầu tư dự án các cấp ngay từ đầu giai đoạn, đầu năm kế hoạch, có tâm lý đợi có vốn mới triển khai thực hiện...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị trong thời gian tới, cần phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan trung ương và địa phương; hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tiến độ và nắm bắt, xử lý vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ từ trung ương tới địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình tại các cấp...
Đặc biệt, có thêm những cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Tiến độ giải ngân của các Chương trình mục tiêu quốc gia đang ở mức thấp so với mặt bằng chung, cần nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên cần tránh trường hợp giải ngân ồ ạt, không đạt được hiệu quả, chất lượng không được như mục tiêu đã đề ra:
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng: "Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhưng cùng với tiến độ giải ngân thì phải bảo đảm chất lượng của công việc này. Ồ ạt giải ngân cao hơn nhưng mà giao cho địa phương, chúng ta không có kiểm tra, giám sát, phân bổ có bảo đảm đúng mục đích không? sau này có thất thoát tiêu cực, lãng phí? Quy định rất chặt chẽ, nguyên tắc phân cấp ủy quyền giao quyền nhưng phải gắn trách nhiệm kiểm tra".
Về đề xuất, giải quyết kiến nghị của Chính phủ về giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có "Ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng thương mại để hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là nguồn vốn tự cân đối của ngân sách địa phương", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng: việc ủy thác này sẽ tạo linh hoạt, chủ động cho địa phương.
"Nếu áp dụng việc ủy thác qua ngân hàng thương mại lâu dài mà chứng minh được thực tiễn hiệu quả hơn, tốt hơn sẽ đóng góp một bằng chứng quan trọng cho việc cải thiện hệ thống Kho bạc Nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật đầu tư công không quy định việc này. Nhưng trong thời gian vừa qua chúng ta đã thí điểm cho phép áp dụng tại TP Hồ Chí Minh. Cho nên Ủy ban TCNS thống nhất với việc cho phép ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt đối với nguồn vốn cân đối của các địa phương"- ông Lê Quang Mạnh nói.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thừa nhận việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đề xuất với Quốc hội chuyển nguồn của năm 2023 sang năm 2024 và đề nghị các địa phương bằng mọi giá sẽ giải ngân hết nguồn vốn năm 2023:
"Không chỉ con số, tỷ lệ giải ngân mà làm sao chất lượng của công trình các dự án đầu tư phải tốt. Chúng tôi sẽ báo cáo và cũng mong Quốc hội, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội địa phương cùng với chúng tôi cố gắng làm việc này. Một ý nữa, không chỉ vướng luật đâu mà vướng ngay cả những quy định về Nghị định, thông tư. Cơ bản đối với vốn đầu tư phát triển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý thì khung pháp lý đã xong rồi. Phần vốn sự nghiệp nếu lần này được gỡ thì sẽ tháo gỡ được cơ bản hành lang pháp lý"- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định.
Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban TVQH xem xét, quyết định phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư; Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ và Xem xét phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm/miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.