Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Mai Hạ|20/09/2023 15:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng 20/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

20-qh.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Tại Phiên họp thứ 25 (ngày 17/8/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trên cơ sở Tờ trình số 361/TTr-CP ngày 31/7/2023 của Chính phủ (Tờ trình số 361), Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 1888/BC-UBXH15 ngày 13/8/2023 của Thường trực Ủy ban Xã hội (Báo cáo số 1888) và giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra, Chính phủ báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Ngay sau phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã tiếp tục tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, chuyên gia về dự án Luật.

Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật, Chính phủ đã có Báo cáo số 442/BC-CP ngày 11/9/2023 (Báo cáo số 442) báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đối với dự án Luật.

Ngày 14/9/2023, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10 để thẩm tra dự án Luật này trên cơ sở Tờ trình số 361 và Báo cáo số 442. Đến 17h ngày 19/9/2023, Ủy ban nhận được Tờ trình số 457/TTr-CP của Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (Tờ trình số 457), kèm theo dự thảo Luật. Nội dung của Tờ trình số 457 về cơ bản là nội dung của Báo cáo số 442 (06 nhóm nội dung đã tiếp thu và 15 nhóm nội dung giải trình). Thường trực Ủy ban Xã hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số ý kiến về việc hoàn thiện, tiếp thu, giải trình các ý kiến đối với dự án Luật này.

Thường trực Ủy ban Xã hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã có Báo cáo số 442 tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự án Luật. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian gần một tháng từ khi có Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự chủ động thực hiện việc tiếp thu các ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra tại Báo cáo số 1888, đặc biệt việc tiếp tục lấy ý kiến, bổ sung Báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, bổ sung các nội dung đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành… Do đó, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có Hồ sơ dự án Luật hoàn thiện theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp lần thứ 25.

Ủy ban Xã hội còn băn khoăn về việc còn nhiều nội dung góp ý đối với dự án Luật chưa được Chính phủ làm rõ hoặc có những nội dung đã được giải trình nhưng chưa thuyết phục. Ban soạn thảo chưa cung cấp bổ sung thông tin, dữ liệu làm rõ căn cứ khoa học, thực tiễn, chưa so sánh đầy đủ lợi ích, chi phí để xác định giải pháp phù hợp hoặc tối ưu để định hướng quy định, sửa đổi, bổ sung và tăng tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận đối với các chính sách, quy định cụ thể được sửa đổi.

Có ý kiến trong Ủy ban Xã hội cho rằng, để trình Quốc hội cho ý kiến thì với việc chỉ bổ sung Báo cáo số 442 cũng như Tờ trình số 457 của Chính phủ là chưa tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tính minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khó theo dõi, xem xét cho ý kiến tại Phiên họp này. Ví dụ, khi Ủy ban Xã hội thẩm tra tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 thì trên cơ sở Tờ trình số 361 và Báo cáo số 442, dẫn điều thì theo dự thảo Luật đã trình Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tờ trình số 457 cũng dẫn chiếu theo dự thảo Luật Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khác so với dự thảo Luật kèm theo Tờ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Luật Bảo hiểm xã hội là một luật rất quan trọng, có đối tượng chịu sự tác động rất lớn và lâu dài, có tính chất xương sống, cốt lõi và bảo đảm để bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều quy định được sửa đổi trong dự thảo Luật chưa có căn cứ thuyết phục, cần phải tiếp tục đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, lấy ý kiến rộng rãi các chủ thể áp dụng, đối tượng chịu sự tác động để bảo đảm sự đồng thuận, tính khả thi.

Ngoài những vấn đề Chính phủ tiếp thu, giải trình tại Báo cáo số 442 và Tờ trình số 457, còn nhiều nội dung và ý kiến tại Báo cáo số 1888, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được Chính phủ giải trình, làm rõ. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đã rà soát và tiếp tục đề cập tại Báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp này và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc hoàn thiện Hồ sơ trên cơ sở tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Ủy ban ban Thường vụ Quốc hội, của Cơ quan chủ trì thẩm tra, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết và thể hiện tinh thần cầu thị, phối hợp chặt chẽ giữa các bên với tinh thần “từ sớm, từ xa”, đồng thời, cũng nhằm bảo đảm Hồ sơ dự án Luật khi trình Quốc hội được đầy đủ, chặt chẽ hơn, bảo đảm chất lượng, tạo được sự đồng thuận cao. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nỗ lực, quyết tâm cao, nghiên cứu thấu đáo, tiếp thu nghiêm túc, giải trình thuyết phục đối với các ý kiến góp ý, cũng như có kế hoạch chi tiết đối với việc tiếp thu và quá trình phối hợp sau này.

Bài liên quan
  • Khai mạc phiên họp thứ 26 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
    Sáng 12/9, tại phòng họp Tân Trào Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 26. Dự kiến phiên họp sẽ diễn ra trong 5 ngày, được chia thành 3 đợt. Đợt 1 từ ngày 12 đến sáng 14/9; đợt 2 từ ngày 18 và ngày 20/9; đợt 3 ngày 29/9 để xem xét 18 nội dung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.