Ứng phó khẩn cấp với hiểm họa “hồ đầy nước, sông đầy nước”

06/11/2017 01:54
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Quảng Ngãi: Lũ lụt lớn làm 5 người chết, mất tích, 6 người bị thương, nhiều vùng bị cô lập

(Moitruong.net.vn) – Chiều 5/11, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp ứng phó mưa lũ các tỉnh miền Trung sau bão 12 do ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì. 

>>>Thừa Thiên – Huế: Lũ trên các sông lên nhanh, nhiều nơi bị ngập sâu

Tổng cục trưởng, Ủy viên Thường trực , Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ TW PCTT Trần Quang Hoài báo cáo tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp , ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết tại Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa, lượng mưa lớn 200 – 300mm. Về tình hình mưa lũ, ông Hoàng Đức Cường cho biết với lượng mưa lớn đang diễn ra, ở Phú Yên, Khánh Hoà đã có lũ trên báo động 3, Quảng Bình – Quảng Ngãi lũ cũng đang lên rất nhanh. “Dự báo, lũ ở các sông từ Quảng Bình-Quảng Ngãi tiếp tục lên nhanh, có nơi trên báo động 3 từ 1 – 1,5m. Đặc biệt, tại sông Bồ, sông Hương – Thừa Thiên Huế, lũ lên trên báo động 3. Quảng Nam trên sông Thu Bồn cũng trên báo động 3, Quảng Ngãi cũng lũ trên báo động 3”- ông Hoàng Đức Cường cho biết.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT: hiện nay các sông đều lên lũ rất cao. “Lúc 13h chiều ngày 5/11, trên sông Hương, lũ đã lên trên báo động 3 hơn 1m. Theo quy trình vận hành liên hồ là giao cho chủ tịch UBND các tỉnh vận hành xả lũ, còn trong tình huống khẩn cấp thì giao trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai vận hành xả lũ trong tình huống khẩn cấp”- ông Hoài cho biết. Theo ông Hoài, từ thực tế mưa lũ hiện nay, tuỳ theo tình hình cụ thể, từng địa phương cần tính toán việc cho học sinh nghỉ học, vì đây là các đối tượng dễ rủi ro nhất trong mưa lũ.
Thứ trưởng, Phó trưởng ban TT BCĐ TW PCTT Hoàng Văn Thắng phát biểu tại cuộc họp

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ TW PCTT Hoàng Văn Thắng cũng cho biết, hiện nay lượng nước về lưu vực sông Hương theo tính toán đã lên tới hơn 1 tỉ m3. “Các hồ đã tích trữ được 500 triệu m3, còn 500 triệu m3 phải xả, tức là chỉ trữ được 50% lượng nước lũ về. Cho đến nay, cả ba hồ lớn ở Thừa Thiên Huế đều đã gần đến mực nước dâng bình thường. Trong những ngày tới mà mưa tiếp thì phải xả với mức cao hơn, vì vẫn còn phải dành dung tích ứng phó với các trường hợp đặc biệt” – ông Thắng nói.

Trước tình hình mưa lớn, lũ lớn, ông Thắng đề nghị phải đặt mục tiêu cao về vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn đập ở mức cao nhất. “Có an toàn hồ đập thì mới đảm bảo được an toàn cho hạ du. Vì vậy, phía hạ du cần phải tính đến việc di dân. Phải tính đến các kịch bản xấu để chủ động di dân, đặc biệt là trong tình huống các hồ chứa thượng nguồn hết hết dư địa tích nước là phải xả nguyên lượng nước về. Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chuyển lực lượng sang Thừa Thiên Huế để hỗ trợ bà con. Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cần dự báo mưa lũ hẹp hơn nữa để chủ động trong ứng phó” – ông Thắng nêu.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng – Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với hiểm hoạ: hồ đầy nước, sông đầy nước, vùng trũng đầy nước trên toàn lưu vực, …bão số 12 gây thiệt hại nặng nề, giờ các tỉnh tiếp tục phải đối mặt với những đợt mưa đặc biệt lớn và lũ đặc biệt lớn, không ngoại trừ, phải tính đến cả kịch bản xấu nhất

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ hiện nay tình hình mưa lũ ở cả khu vực Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đều trong trạng thái nguy hiểm. “Điểm chung năm nay là mưa lớn, mưa nhiều ở cả nước, đặc biệt là các khu vực nêu trên khiến các hồ lớn nhỏ thuỷ điện, thuỷ lợi đều tích đầy nước” – ông Cường chỉ rõ. Theo ông Cường, dưới tác động của cơn bão số 12, cả bốn khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã có mưa lớn khiến hồ đầy nước càng đầy nước hơn. Các sông trong lưu vực Có sông lên trên báo động 3, cận mốc lịch sử 1997, hết sức chú ý trong chỉ đạo. Vùng trũng hạ du, đặc biệt Nam Trung Bộ đã bị ngập.

Bộ trưởng, Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường kết luận tại cuộc họp

“Hiện nay vẫn đang mưa, còn dự báo tới ngày 7/11 còn mưa, cục bộ có nơi vẫn mưa to. Vì vậy, có thực tế mối đe doạ an toàn đã rộng ra toàn tuyến từ Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Hệ thống sông trên lưu vực nước lên nhanh, ẩn chứ thảm hoạ. Vùng trũng hiện nay đã ngập trong điều kiện việc vận hành buộc phải xả, vì thế diện tích ngập sẽ tăng lên. Nếu không chủ động các biện pháp ứng phó tại chỗ thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do vậy, công tác quản lý, giám sát, vận hành, điều hành hồ chứa, công tác chỉ huy của các tỉnh phải quyết liệt hơn, cụ thể hơn”-ông Cường nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, việc hiện nay là phải hành động ngay lập tức. “Thứ nhất, Trung tâm dự báo liên tục cập nhật các số liệu, đưa ra các dự báo sát thực tiễn hơn. Thứ hai, các cơ quan quản lý, chủ hồ liên tục có số liệu quan trắc, vận hành đúng theo quy trình liên hồ chứa. Với các hồ nhỏ phải thường xuyên cập nhật số liệu. Chủ tịch UBND tỉnh khi đưa ra các quyết đáp vận hành phải có căn cứ vào tình hình thực tiễn, dựa trên các số liệu dự báo và phải dự báo được lượng mưa trên lưu vực hồ mình quản lý” – ông Cường nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu phải xây dựng kịch bản cụ thể trong đó có cả kịch bản xấu nhất nếu tiếp tục có mưa lớn. “Nếu không có những kịch bản như hiện nay, kịch bản mưa tiếp, kịch bản cực đoan nhất chứ không phải để nước đến chân mới nhảy. Phải có kế hoạch huy động tổng huy động động lực lượng để khi cần có thể xử lý ngay” – ông Cường nêu.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng, trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa. Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu thành lập 3 đoàn vào ngay các tỉnh Thừa Thiên Huế – Quảng Nam để trực tiếp chỉ đạo ứng phó với mưa lũ.

Theo VP PCTT


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó khẩn cấp với hiểm họa “hồ đầy nước, sông đầy nước”