Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý những vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đấu thầu, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục. Điển hình như các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ, các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu trong giáo dục xảy ra tại các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên…
Dư luận đặt câu hỏi, nhan nhản sai phạm trong đấu thầu y tế, giáo dục, nhận diện và biện pháp nào phòng ngừa tham nhũng?
Nhận định về những hệ lụy này, theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Thứ nhất, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế – xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an
Thứ hai, nếu để việc phân biệt, đối xử “bất bình đẳng” trong đấu thầu kéo dài, sai phạm trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước. Đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước…
Theo tướng Xô, đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, làm mất cán bộ, đảng viên, trong đó có rất nhiều cán bộ có chuyên môn giỏi, nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực do có trách nhiệm liên quan đến hành vi sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu.
Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, từ thực tiễn các vụ án sai phạm trong đấu thầu gần đây như vụ đấu thầu thiết bị y tế, đấu thầu thiết bị giáo dụ cho thấy, quá trình phát hiện và đấu tranh với các đối tượng có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu gặp rất nhiều khó khăn.
Đa số các vụ án, vụ việc có liên quan đến số cán bộ giữ chức vụ, đứng đầu cơ quan, tổ chức (Chủ tịch Hội đồng đấu thầu). Những cá nhân này bản thân rất am hiểu về chính sách quản lý kinh tế – xã hội, có kinh nghiệm đối phó, né tránh, tẩu tán tài sản trục lợi được.
Bên cạnh đó, họ có điều kiện dùng cơ chế hành chính, mệnh lệnh cấp trên để chỉ đạo, ràng buộc cán bộ, công chức, người lao động phụ thuộc thực hiện các hành vi giúp sức, che giấu sai phạm, chỉnh sửa, hợp thức hóa hồ sơ tài liệu, tiêu hủy chứng cứ.
Vụ án tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội)
Đồng thời, các đối tượng có mối quan hệ xã hội rộng với nhiều cấp, nhiều ngành, ngay từ giai đoạn tiếp cận, thu thập hồ sơ, tài liệu cơ quan điều tra đã gặp sự can thiệp, tác động từ nhiều phía.
Trong khi đó, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, tiêu cực trong đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Điển hình như khâu thẩm định, trong đó có thẩm định giá và thẩm định năng lực của nhà thầu còn nhiều bất cập; hình thức “Chỉ định thầu” đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa, do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đổi phổ biến, từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Ngoài ra, các quy định về đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như định giá tài sản chưa cụ thể, rõ ràng, so với chủng loại, xuất xứ hàng hóa rất đa dạng, phong phú như hiện nay thì rất khó khăn trong việc đánh giá sai phạm, xác định hành vi thông đồng, cấu kết nâng khống giá sản phẩm.
Việc quy định các nội dung trong hồ sơ mời thầu, nhất là việc đưa các nội dung mang tính định hướng nhà thầu, tiêu chí, điều kiện cục bộ gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng cũng cần phải được quy định và có chế tài xử lý cụ thể.
Để giải quyết vấn nạn trên, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự – Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Hà Thu