Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định và đưa vào một trong số các chỉ tiêu quan trọng: “Đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%”.
1.Thực trạng môi trường hiện nay
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2020, tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 90%, dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 96,0%, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường ước đạt 90%, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt khoảng 42%. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước ta đạt 90%
Trước hết là vấn đề quản lý rác thải nhập khẩu còn nhiều sơ hở. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, tính đến ngày 28/8/2018, cả nước có đến 17.000 container phế liệu chưa làm thủ tục thông quan, chủ yếu ở một số cảng biển. Các phế liệu này chủ yếu là nhựa, giấy, phế liệu sắt, nhôm do các hãng tàu nước ngoài chở đến. Ở các đô thị và nhiều tỉnh, các bãi rác thải ứ đọng chưa được xử lý do khu vực chôn lấp và các nhà máy chế biến quá tải. Số lượng các chất thải rắn như đồ nhựa, túi ni lông,… ngày càng nhiều và đổ cả xuống biển, các dòng sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng ở một số vùng.
Vấn đề quản lý nước thải ô nhiễm càng phức tạp, khó khăn hơn. Theo các chuyên gia môi trường đánh giá, hầu hết các dòng sông và phần lớn ao, hồ ở Hà Nội và một số đô thị đều ô nhiễm nặng. Hàng năm có hàng triệu mét khối nước chưa qua xử lý đổ xuống các dòng sông như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Lừ… Hiện cả nước có khoảng 615 cụm công nghiệp nhưng chỉ khoảng 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, gần 300 khu công nghiệp với lưu lượng xả thải trên 2 triệu m3/ngày, nhưng có tới 70% lượng nước thải chưa được xử lý triệt để, 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12%. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Cùng với rác thải, nước thải, vấn đề khí thải cũng rất nghiêm trọng. Đầu tháng 3/2019, Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam công bố báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh “Về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu năm 2018”. Theo báo cáo này, Hà Nội đứng thứ hai, thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 15 về mức độ ô nhiễm không khí ở khu vực Đông Nam Á. Theo ước tính của Trường Đại học Fulbright, thiệt hại kinh tế ở Việt Nam do ô nhiễm không khí (2013) khoảng 5-7% GDP và gây chết sớm cho hàng chục ngàn người. Tại Hội nghị Lagos (Thụy Sỹ) năm 2016, Việt Nam đứng thứ 10 về ô nhiễm không khí. Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Tổng cục Môi trường, Việt Nam có trên 43 triệu xe máy và hơn 2 triệu ô tô lưu hành, chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như diesel, xăng, đang là nguồn phát thải lớn khói bụi, khí độc vào không khí. Nghiên cứu của WHO, ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân đứng thứ tư gây ra những cái chết yểu trên thế giới và ước tính thiệt hại đến 225 tỷ USD hàng năm. Việc các công trình xây dựng, xe chuyên chở vật liệu, khai thác than, khoáng sản, các nhà máy nhiệt điện, xi măng, hóa chất… không chấp hành quy định xử lý môi trường cũng làm ô nhiễm không khí không nhỏ.
Tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng nêu trên do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chính.
Về nguyên nhân khách quan: Nước ta nằm ở vị trí địa lý chịu tác động rất lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu và những diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu đã gây ra hạn hán, ngập úng hay nhiễm mặn ở một số vùng. Điều kiện nguồn thu ngân sách khó khăn nên chi đầu tư cho lĩnh vực môi trường rất hạn chế. Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra khá mạnh mẽ cũng góp phần làm gia tăng phát thải khí nhà kính, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học…
Về nguyên nhân chủ quan: Nhận thức và ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của một bộ phận lớn cán bộ, công chức, viên chức, của người dân về bảo vệ môi trường chuyển biến chậm. Đặc biệt, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chính quyền các cấp và chủ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Một số cán bộ lại bị chi phối bởi lợi ích cục bộ đã vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, có nơi, có lĩnh vực nghiêm trọng. Công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật và tổ chức ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức.
2.Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, Bộ Chính trị chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện và ban hành Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và định hướng phát triển giai đoạn tới Đai hội XIII của Đảng đã thể hiện định hướng chủ yếu về công tác bảo vệ môi trường giai đoạn tới như sau:
Về quan điểm
Nghị quyết XIII của Đảng tiếp tục quán triệt quan điểm: “Môi trường là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hoà với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững” và “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.
Nghị quyết XIII đưa ra chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đều có mục riêng về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu
Về mục tiêu
Nghị quyết XIII của Đảng đề ra các chỉ tiêu về môi trường của đất nước trong thời kỳ 5 năm 2021-2025, đến năm 2025: (1) tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100%, của dân cư nông thôn là 93-95%; (2) Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; (3) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường là 92%; (4) Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường quan trọng được xử lý đạt 100%; (5) Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%. Quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu và chỉ tiêu cao nhất. Đồng thời, chuẩn bị các phương án để chủ động thích ứng với những biến động của tình hình.
– Các chỉ tiêu về môi trường của đất nước trong chiến lược 10 năm 2021-2030, đến năm 2030 cụ thể như: cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: (1) tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. (2) Tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 98%, trong đó riêng chất thải y tế được xử lý đạt 100%, tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; (3) Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%; (4) Giảm 9% lượng khí phát thải nhà kính; (5) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý chất thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt chuẩn về môi trường; (6) Tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%; (7) Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Nhiệm vụ, giải pháp
Nghị quyết XIII đưa ra chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đều có mục riêng về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, trong đó có nhiều nội dung mới. Đồng thời, nhiều nội dung mới về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu còn được nêu ở các nội dung khác có liên quan, như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công ngiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng… Cụ thể:
a. Về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên
– Đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý, sử dụng tài nguyên. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất; đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai, nước, khoáng sản theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên khoáng sản, đất, nước, rừng, biển của đất nước.
Đất đai là nguồn lực to lớn, nhiều năm qua quản lý còn chưa chặt chẽ, sử dụng còn chưa hiệu quả, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng quan tâm nhiều tới giải quyết vấn đề này, đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ mới: Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường. Hoàn chỉnh việc đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; tăng cường đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát triển các dịch vụ công về đất đai. Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả đất công, đất giao cho các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập, các lực lượng vũ trang sử dụng. Tạo điều kiện cho tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao. Kịp thời phát hiện, khắc phục tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí; xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm, đầu cơ đất đai; ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng, trục lợi về đất đai, làm mất tài sản nhà nước.
Trong những năm tới, an ninh nguồn nước là vấn đề có tính toàn cầu, đặc biệt với nước ta, một nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước từ bên ngoài. Vấn đề quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước được Đại hội XIII đặc biệt quan tâm, đề ra nhiều yêu cầu mới, như: Hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước. Tăng cường tích nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyen nước ở các lưu vực sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Công và sông Hồng. Đổi mới cơ chế tài chính về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công nghệ tái chế nước thải.
Vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ trực tiếp làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn ảnh hưởng đến giống nòi, con cháu mai sau
b. Về bảo vệ môi trường
– Môi trường ngày càng trở thành vấn đề nóng của thời đại, của toàn cầu, ảnh hưởng ngày càng lớn đến phát triển kinh tế bền vững, đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của nhân dân. Ở nước ta, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết. Đại hội XIII đặc biệt quan tâm và có nhiều quan điểm, chủ trương cụ thể, mới về vấn đề này, như: Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ bền vững môi trường. Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát môi trường; nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường của mọi dự án, hoạt động kinh tế; ngăn ngừa, hạn chế tối đa những ô nhiễm môi trường mới phát sinh. Xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh. Tập trung khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, nhất là những cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có biện pháp bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường không khí, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, nhất là ở các đô thị lớn; xử lý nước thải, chất thải ở nông thôn. Kiểm soát tốt tác động môi trường của các dự án khai thác tài nguyên. Thực hiện nguyên tắc đối tượng gây ô nhiễm môi trường phải chi trả chi phí xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo, phục hồi môi trường; đối tượng được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.
Khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ xử lý chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, sản xuất năng lượng từ chất thải, phát triển kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu phát triển, cùng với đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái phù hợp với điều kiện từng vùng, tăng khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; phát triển, nâng cao chất lượng rừng; tăng độ che phủ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Tăng cường bảo vệ môi trường; ngăn ngừa, kiểm soát, giảm ô nhiễm môi trường biển; bảo vệ, phát triển bền vững các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển, đặc biệt là các rặng san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
c. Về ứng phó với biến đổi khí hậu
– Trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra nhanh, phức tạp; thiên tai, dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều, cường độ và tác động tàn phá ngày càng lớn, Đại hội XIII đặc biệt quan tâm đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu: Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai; năng lực chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ tác động, thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động, ưu tiên các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, tránh, hạn chế, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra, như: khô hạn ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn, lún xụt, sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; bão, lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở ở các khu vực đồng bằng trung du, miền núi; tình trạng ngập úng ở các đô thị lớn, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh…
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, huy động sự tham gia của toàn dân vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của đất nước. Tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên, các ngành, các doanh nghiệp phát triển dựa vào tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, nguồn phát thải nhà kính. Chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi vi phạm.
– Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, góp phần tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu, đi tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.
Hà Anh