Vật liệu xanh (Bài 3): Đồng bộ các giải pháp phát triển

Minh Trang|27/04/2023 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo chuyên gia, để thúc đẩy phát triển mạnh vật liệu xây dựng xanh, ngành chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, có ưu đãi trong sản xuất, khai thác và sử dụng vật liệu xây dựng xanh.

Kinh nghiệm thế giới

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 465 nhãn sinh thái tại 199 quốc gia và bao phủ 25 ngành công nghiệp. 

Dán nhãn sinh thái là một hình thức phân biệt sản phẩm, các sản phẩm tuân thủ và mang nhãn sinh thái giống như nhận được một giá trị bảo hiểm trong thị trường vật liệu xanh. Điều này sẽ phụ thuộc vào nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề môi trường. Sự tín nhiệm của nhãn xanh, và thị trường cho các sản phẩm được dán nhãn xanh cũng đóng một vai trò quan trọng cho sự thành công của một chương trình dán nhãn xanh.

vat-lieu-xanh-6.jpg
Vật liệu xây dựng xanh là xu hướng trên thế giới và Việt Nam với việc đảm bảo tính bền vững trong xây dựng và bảo vệ môi trường

Kinh nghiệm tại Việt Nam

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH 14 quy định: Sản phẩm thân thiện môi trường là sản phẩm được tạo ra từ các nguyên liệu, vật liệu, công nghệ sản xuất và quản lý thân thiện môi trường, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sử dụng, thải bỏ, bảo đảm an toàn cho môi trường, sức khỏe con người và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hoặc công nhận; Nhãn sinh thái Việt Nam là nhãn được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận cho sản phẩm thân thiện môi trường; Việt Nam công nhận sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường đã được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam chứng nhận.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định về sản phẩn thân thiện với môi trường, hồ sơ, trình tự, thủ tục chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam.

Ngày 01/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên liên quan tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP 26).

Theo đó, khai thác và sản xuất VLXD là một trong ba lĩnh vực chủ yếu của ngành Xây dựng có tiềm năng, lợi thế đóng góp vào kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tối thiểu giai đoạn đến năm 2030 của ngành Xây dựng là 74,3 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ). Đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải các-bon thấp.

Đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới đạt tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải các-bon thấp. 100% công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa cải tạo phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Ban hành cơ chế khuyến khích phát triển công trình xanh, khu đô thị/đô thị xanh, khu đô thị/đô thị phát thải cac-bon thấp.

Thúc đẩy sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh. Hoàn thiện xây dựng tiêu chí sản phẩm xanh cho các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu. Đến năm 2030, 25% các VLXD chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh. Giai đoạn 2031 - 2050 phải đạt một số mục tiêu cụ thể như: Phát triển rộng rãi vật liệu xây dựng, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, đô thị theo hướng xanh, phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới, 10% đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải các-bon thấp. Trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí công trình xanh. Ngày 22/7/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, giao các nội dung công việc cụ thể cho từng bộ, ngành.

Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 -2030 định hướng đến 2050. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, phát triển các loại VLXD mới thân thiện môi trường.

Chương trình cấp nhãn sinh thái của Việt Nam (Nhãn xanh Việt Nam) được Bộ trưởng Bộ TN&MT tại Quyết định số 253/QĐ-BTNMT ngày 05/3/2009 và Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc gắn Nhãn xanh Việt Nam là hoạt động tự nguyện. Hiện nay chương trình Nhãn Xanh Việt Nam đã xây dựng được 17 bộ tiêu chí cho các nhóm sản phẩm khác nhau. Trong đó nhóm sản phẩm liên quan đến VLXD đã xây dựng được 2 bộ tiêu chuẩn: Sản phẩm sơn phủ dùng cho xây dựng - NXVN 11:2014 và gốm sứ xây dựng - NSVN 05:2014.

Theo Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO: Nhãn xanh là sự khẳng định, biểu thị thuộc tính môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ có thể dưới dạng một bản công bố, biểu tượng hoặc biểu đồ trên sản phẩm hoặc nhãn bao gói, trong tài liệu về sản phẩm, tạp chí, kỹ thuật, và các hình thức quảng cáo khác.

Dựa vào tiêu chuẩn quốc tế ISO, nhãn xanh (nhãn sinh thái) được chia làm ba loại, gọi tắt là loại I, loại II, loại III với các yêu cầu cụ thể được nêu trong tiêu chuẩn ISO 14024:1999, ISO 14021:1999, ISO 14025:2000. (Bảng 1)

Định hướng phát triển

Để thực hiện mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg và cam kết của Việt Nam đối với thế giới về cắt giảm khí nhà kính, Viện VLXD (là đơn vị hỗ trợ Bộ Xây dựng nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng các tiêu chuẩn, chính sách cho ngành sản xuất VLXD) đã thực hiện các nghiên cứu sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Hiện nay, Viện VLXD cũng đang thực hiện nghiên cứu đối các sản phẩm VLXD chủ yếu: Xây dựng cơ sở dữ liệu về vòng đời sản phẩm (LCA); Xây dựng các tiêu chí dán nhãn năng lượng, nhãn xanh; Nghiên cứu xây dựng định mức tiêu hao năng lượng; Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính, MRV; Nghiên cứu, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm theo yêu cầu của sản phẩm mới.

vat-lieu-xanh-7.jpg
Phát triển vật liệu xanh tăng cường cam kết của Việt Nam đối với thế giới về cắt giảm khí nhà kính

Trong đó, yêu cầu cơ bản khi xây dựng tiêu chí cho Nhãn VLXD sinh thái/VLXD xanh bao gồm: Phải cung cấp thông tin chính xác về các khía cạnh môi trường của một sản phẩm; Không tạo ra các rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế; Được xây dựng dựa trên các phương pháp luận khoa học đầy đủ và hoàn chỉnh; Thông tin phải sẵn có và cung cấp theo yêu cầu của các bên liên quan; Không được kìm hãm sự đổi mới, hướng tới cải thiện tính năng môi trường của sản phẩm.

Các tiêu chí đánh giá của sản phẩm VLXD xanh/VLXD sinh thái phải tính đến vòng đời của sản phẩm bao gồm: Khai thác tài nguyên, sản xuất, phân phối, sử dụng và thải bỏ liên quan đến những chỉ thị môi trường trung gian tương ứng.

Chương trình phát triển vật liêu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững. Đây cũng là xu thế mà thế giới đang thực hiện; trong đó, chú trọng đến phát triển công trình xanh và sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường.

Tiến sĩ Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), chia sẻ xu hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng của thế giới hiện ngày càng tiệm cận với quan điểm phát triển bền vững của Liên hợp quốc về hài hòa cả ba nhân tố chính là kinh tế, xã hội và môi trường.

Do đó, việc nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần nguyên liệu khai thác trực tiếp từ tài nguyên thiên nhiên; đồng thời tăng cao hàm lượng nguyên liệu tái chế từ phế thải các ngành công nghiệp, phế thải sinh hoạt đang ngày càng được triển khai mạnh mẽ.

Theo ông Thành, hiện trên thế giới có khoảng 465 nhãn xanh tại 199 quốc gia và bao trùm 25 ngành công nghiệp; trong đó có vật liệu xây dựng.

Tại Việt Nam, Chương trình Nhãn xanh Việt Nam đã xây dựng được 17 bộ tiêu chí cho các nhóm sản phẩm khác nhau. Hiện nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng đã xây dựng được 2 bộ tiêu chuẩn gồm: sơn phủ dùng cho xây dựng-NXVN 11:2014 và vật liệu ốp lát gốm sứ xây dựng-NSVN 05:2014.

Gần đây, Viện Vật liệu xây dựng đã hoàn thành xây dựng 2 bộ tiêu chuẩn vật liệu xây dựng xanh cho sản phẩm ximăng và sứ vệ sinh.

Phát triển vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam tạo ra áp lực nhất định cho ngành xây dựng về việc phải đảm bảo nhân lực để có thể làm chủ công nghệ, vận hành dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng có áp dụng các giải pháp của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản thiên nhiên; tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Việc am hiểu đầy đủ kiến thức về các tính năng vật liệu xây dựng để có thể vận dụng nhuần nhuyễn vào thiết kế, thi công công trình xanh và tiết kiệm năng lượng cũng là thách thức đối với giới chuyên môn xây dựng - ông Thành nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn các loại vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng cũng như công trình xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, ngành chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, có ưu đãi trong sản xuất, khai thác và sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng.

Tiến sĩ Lê Trung Thành đề xuất, nên xem xét việc tăng thuế môi trường đối với các hoạt động sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất và ứng dụng các loại vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng vào công trình xây dựng; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, sản xuất, thiết kế, thi công công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng.

Chính sách phát triển vật liệu xanh trong xây dựng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, các chính sách thúc đang dần thúc đẩy và khuyến nghị người dân sử dụng vật liệu xanh nhằm bảo vệ và giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên đất hiệu quả hơn:
– Luật Xây dựng năm 2014, Điều 110 yêu cầu sử dụng VLXD đã quy định: an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện môi
truong.
– Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2015 về quản lý vật liệu xanh đã đưa ra khái niệm và quy định vật liệu xanh tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
– Quyết định số 567 ngày 28/4/2010 ban hành Chương trình phát triển vật liệu xanh đến năm 2020
– Chỉ thị số 10 ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng vật liệu xanh, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch nung
- Quyết định 1696 ngày 23/9/2014 về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xanh
- Quyết định 452/QĐ- TTg ngày 12/4/2017 Phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xanh và trong các công trình xây dựng.
Và gần đây nhất là đó chính là Quyết định 217/QĐ-TTg 2021 với quyết tâm trong năm 2030, 100% các công trình xây dựng vốn đầu tư công sử dụng VLXKN nhằm Đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vật liệu xanh (Bài 3): Đồng bộ các giải pháp phát triển