Về lại mùa xuân

Tăng Hoàng Phi|29/01/2020 11:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Một buổi sáng nắng tràn qua mắt nhớ, gói ghém đồ đạc ta bước ra ga tầu trở về quê hương yêu dấu, nơi mùa xuân đang căng tràn đầy ngõ, hoa lá, cỏ cây rung rinh mỉm cười. Vậy đã là gần chục mùa xuân trôi qua kể từ ngày ta xa xứ. Ngày trở về hôm nay, bước chân ta như nhỏ dại, đạp phải cọng cỏ quê nhà mà lòng chộn rộn, bâng khuâng. Cảnh vật trước mắt ta bao năm ta ngỡ lạ lẫm nhưng lại thân quen đến vô cùng.

Ngôi nhà ngói ba gian nơi mẹ ru ta khúc hát tuổi ấu thơ yên bình nép sau những tàng lá mít xanh ngời. Màu thời gian phủ lên ngói bằng những lớp rêu xanh lấm chấm. Vẫn là tiếng của những chú sẻ năm nào, đậu trên mái ngói lích chích rộn ràng không ngớt trước nắng xuân ấm áp tràn về. Bước qua cổng nhà là dãy chè tàu xanh vuông vức ba tỉa cắt hàng ngày, tuổi thơ ta đọng lại cùng với những buổi trưa chơi chuyền, chơi chắt với lũ bạn. Giàn mướp, hàng cau, cây na, cây ổi, cây sung, ao cá… từng góc nhớ thân thương ta thường la cà sau mỗi chiều nắng, lon ton cùng mẹ mang ô doa đi tưới nước. Góc vườn của mẹ mùa xuân bừng lên nào hoa, nào lá, rực rỡ đủ sắc màu. Mẹ bảo mùa xuân làm nên điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu ẩn giấu qua sự sinh sôi, nảy nở, vươn lên của cây cối.

Trong mưa xuân, vạn vật như lấp lánh, sáng ngời

Mùa xuân năm xưa ta non nớt, ngây thơ, chập chững từng bước đi đầu tiên thì xuân năm nay ta đã trưởng thành và cứng cáp hơn rất nhiều. Cuộc sống dạy ta kiên cường với sóng gió, với thử thách tôi luyện thành con người bản lĩnh. Ta có được hình hài như hôm nay, có được thanh xuân rực rỡ là từ những mùa xuân gian khó khi xưa, từ những chắt chiu mẹ cha ươm mầm qua năm tháng. Mẹ vẫn thường bảo đời người cũng sẽ giống như những cái cây. Mùa xuân sẽ là bàn đạp chắc chắn để cây thay áo mới, bung hoa, bung chồi. Người yếu đuối sẽ ở lại phía sau, và cho dù có bao nhiêu mùa xuân nữa cũng chẳng thể vươn lên nếu không có ý chí, mạnh mẽ. Mùa xuân được ví như là mùa của tuổi trẻ và tình yêu khát khao. Cái rạo rực của đất trời, cái tí tách của chồi non lộc biếc, cái khát khao cháy bỏng… tất cả quyện hòa nhau, thêu dệt nên nhiều cung bậc cảm xúc. 

Về lại mùa xuân, đi trong cơn mưa răng rắc bụi mờ, chập chờn làn khói mỏng tà tà bay lên từ nếp tranh, nếp rạ, lòng xao xuyến, mênh mang. Những bộn bề phố thị bỗng chốc tan biến, trong đầu chẳng còn “cơm áo gạo tiền” nhắc nhớ, ta tận hưởng từng luồng khí của đất trời, hít cho đẫy đà lồng ngực khí xuân và mong thời gian chầm chậm trôi. Trong mưa xuân, vạn vật như lấp lánh, sáng ngời. Một nụ chồi cũng khiến ta ngẩn ngơ, muốn đưa tay chạm nhẹ. Ta đã đi qua bao mùa xuân nhưng lòng thì luôn rạo rực mỗi tiết xuân sang cho dù không biết bao nhiêu lần lặp lại, như cái hẹn đầu tiên làm ai cũng rạo rực trong lòng. 

Về lại mùa Xuân ta hài lòng với những gì hiện tại, bỗng thấy mình thật may mắn vì còn chốn quê để quay về. Rất nhiều mảnh đời bất hạnh phải lang thang, lưu lạc coi màn trời chiếu đất xa lạ là nhà, là quê, bao mùa xuân trôi qua dẫu có nắng ấm nhưng lòng thì thật lạnh lẽo. Cảm ơn cuộc đời đã cho ta những mùa xuân yêu dấu, cho ta thêm những dư vị ngọt ngào, ấm áp.

Tăng Hoàng Phi

   
Bài liên quan
  • Tết cổ truyền của người Khmer Nam Bộ
    Moitruong.net.vn – Hầu hết các dân tộc trên thế giới, cũng như các tộc người ở Việt Nam đều có những ngày tết của riêng mình, với những hình thức tổ chức khác nhau và lý giải về nguồn gốc hình thành cũng khác nhau tùy thuộc vào quan niệm, phong tục tập quán. Ở người Khmer Nam bộ hàng năm đều tổ chức ngày tết cổ truyền của mình mà người khmer gọi là “Bon-Chôl-chnăm-thmây”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về lại mùa xuân