Vệ sinh, khử khuẩn nơi làm việc như thế nào để phòng dịch COVID-19

Mai Anh|16/03/2020 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn -Để chủ động phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch COVID-19, đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp với tốc độ lây nhiễm cao trong cộng đồng, đồng thời cũng là nguy cơ cao đối với an toàn, sức khỏe của người lao động tại nơi làm việc, để chủ động phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động cho người lao động Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc như sau:

Khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày các vị trí hay tiếp xúc

Bộ Y tế khuyến cáo: Đối với nơi làm việc, khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày đối với nền nhà, tường, bàn ghế, đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc và khu vệ sinh. Các vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung cần được khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày. Tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn.

Mỗi người lao động cần nâng cao ý thức, cùng tham gia và thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc

Đối với các bề mặt bẩn phải được làm sạch bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước để thành dung dịch có khả năng diệt vi rút, hoặc dung dịch chứa 0,05% Clo hoạt tính sau khi pha để lau các bề mặt.

>>> Từ 16-3: đến sân bay, bến xe, siêu thị, nhà ga… phải đeo khẩu trang

Lưu ý chỉ pha lượng đủ dùng trong ngày, không để dung dịch đã pha sang ngày hôm sau vì hàm lượng Clo hoạt tính trong dung dịch không còn đủ để khử khuẩn.

Đối với các bề mặt, vật dụng không chịu nước như điều khiển điều hòa, ti vi, công tắc đèn, máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử dùng chung khác…, nên sử dụng dung dịch chứa ít nhất 60% cồn để khử khuẩn bằng cách dùng khăn sạch nhúng vào cồn và lau bề mặt, để khô tự nhiên không rửa lại với nước. Lưu ý tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn. Người làm vệ sinh cần sử dụng găng tay cao su, đeo khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn môi trường nơi làm việc.

Khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày các vị trí hay tiếp xúc

Tăng cường thông khí, hạn chế sử dụng điều hòa

Tăng cường thông khí tại các khu vực, vị trí làm việc, trên phương tiện giao thông vận chuyển người lao động bằng cách tăng thông gió hoặc mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt hoặc các giải pháp phù hợp khác. Hạn chế sử dụng điều hòa.

Bố trí đủ thùng đựng rác có nắp đậy, đặt ở vị trí thuận tiện tại nơi làm việc để người lao động có thể bỏ khẩu trang, khăn giấy đã sử dụng, rác vào các thùng, đảm bảo vệ sinh nơi làm việc. Rác thải phải được thu gom và được xử lý hằng ngày theo đúng quy định.

Mỗi người lao động cần nâng cao ý thức, cùng tham gia và thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Mai Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vệ sinh, khử khuẩn nơi làm việc như thế nào để phòng dịch COVID-19
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.