Vì một Biển Đông hoà bình, phục hồi bền vững

Gia Hân|18/11/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tình hình tranh chấp trên Biển Đông chưa được giải quyết sẽ là lực cản đối với việc hiện thực hoá chiến lược kinh tế biển xanh. Các bên cần tận dụng thế mạnh để thúc đẩy hợp tác kinh tế và khuyến khích sự tham gia theo mô hình xã hội hoá với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp công và tư nhân.

Chiều 17/11, tại Đà Nẵng, sau 02 ngày diễn ra, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 với chủ đề: “Biển hoà bình – Phục hồi bền vững” đã bế mạc.

Đánh giá về tình hình Biển Đông và khu vực, nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng: Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi bất ngờ, cục diện Biển Đông tương đối tĩnh lặng nhưng chỉ mang tính tạm thời. Tình hình an ninh khu vực và Biển Đông thể hiện ở hai cấp độ, một mặt liên quan giữa các nước ven Biển Đông, mặt khác liên quan đến cạnh trạnh giữa các nước lớn.

bien-dong.jpg
Các đại biểu thảo luận tại các phiên họp của Hội thảo.

Theo nhiều đại biểu, Biển Đông chịu tác động bởi nhiều nhân tố như bối cảnh địa chính trị trên thế giới và khu vực, các tính toán của cường quốc và cạnh tranh các nước lớn. Những thay đổi địa chính trị trên thế giới và một số khu vực và tình trạng quan hệ các nước lớn kéo theo sự thay đổi về nhận thức, chính sách các cách thức xử lý mối quan hệ với nước lớn từ phía các nước và tổ chức như ASEAN, EU.

Nhiều ý kiến nhận định: Khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng ngày càng trở thành mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia như Anh, Pháp, Ấn Độ… hay các tổ chức như Liên minh Châu Âu đều chủ động đưa ra các chiến lược riêng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khẳng định cam kết ngày càng tăng cường can dự tại khu vực.

Trước đó, trong Phiên dẫn đề đặc biệt vào sáng ngày 16/11, theo Chuẩn Đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn quân sự cao cấp của Cơ quan đối ngoại EU, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực quan trọng đối với Liên minh EU về kinh tế, thương mại, tự do hàng hải và hàng không. EU phản đối các hành động đơn phương, bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, cam kết giữ an ninh, xây dựng trật tự luật lệ trên biển, trong đó UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. EU ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, kiến trúc khu vực dựa trên luật lệ, chủ nghĩa đa phương, an ninh thông qua ARF, xây dựng COC ràng buộc pháp lý và bảo đảm lợi ích của bên thứ ba. Ông cũng cho biết thời gian tới, EU sẽ triển khai sáng kiến “hiện diện tích hợp” trên biển tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Còn theo đánh giá của Quốc Vụ Khanh Anne-Marie Trevelyan (Anh), khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có vai trò quan trọng với Anh về kinh tế, thượng tôn luật pháp quốc tế và chuẩn mực về thương mại tự do, an ninh và ổn định. Trong đó, Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu bảo vệ, hoà bình, thịnh vượng toàn cầu. Anh công nhận vai trò trung tâm của ASEAN với tư cách là đối tác đối thoại mới nhất, và ủng hộ các nỗ lực đảm bảo an ninh biển và nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu. Anh đẩy mạnh hợp tác an ninh biển thông qua chương trình toàn diện nhằm tăng cường sự tự cường ở khu vực, để thúc đẩy một Biển Đông vững mạnh, ổn định và an ninh.

Tại các phiên thảo luận của Hội thảo, các diễn giả và đại biểu đã dành thời gian thảo luận về xu hướng liên kết tiểu đa phương và đa phương, trong đó gồm các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Các học giả cho rằng ngày càng xuất hiện nhiều cơ chế hợp tác giữa các nhóm nhỏ các nước, nguyên nhân phần nào do các thách thức nổi lên trong việc bảo đảm thực thi luật pháp quốc tế và hiệu quả hoạt động của nhiều thể chế đa phương hiện hành; một phần cũng do tính linh hoạt, dễ dung hoà các quan điểm và lợi ích của các cơ chế này.

Tuy nhiên, các học giả chưa thống nhất về tác động của các cơ chế hợp tác tiểu đa phương đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Có ý kiến cho rằng các cơ chế như QUAD hay hợp tác tiểu vùng có thể bổ khuyết cho các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhưng cũng có đại biểu lo ngại các khuôn khổ tiểu đa phương có thể làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN.

Nhiều đại biểu cho rằng, các nước cần phát triển cơ chế “trấn an” và “bảo đảm” lẫn nhau, triển khai các hợp tác tiểu đa phương một cách cởi mở, minh bạch và bao trùm; tăng cường đối thoại giữa ASEAN với các nước đối thoại, tôn trọng nguyên tắc và bai trò trung tâm của ASEAN trong kiến trúc khu vực và hợp tác phát triển khu vực và tiểu vùng, cộng hưởng các chiến lược phát triển để bổ sung cho nhau chứ không mang tính loại trừ lẫn nhau.

Bên cạnh các phiên thảo luận, Hội thảo có phiên riêng kỷ niệm 40 năm ký kết Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và 20 năm ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông. Phát biểu tại đây, đa số các ý kiến đều khẳng định tầm quan trọng và giá trị phổ quát của UNCLOS với vai trò là một bản Hiến pháp của Đại dương. Sau 40 năm, nhiều vấn đề mới nảy sinh như bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển, biển đối khí hậu, sự phát triển của khoa học kỹ thuật… thách thức vai trò của UNCLOS. Tuy nhiên, các học giả cho rằng các thách thức mới hoàn toàn có thể được giải quyết trong khuôn khổ pháp lý của UNCLOS và các hiệp định thực thi trong khuôn khổ UNCLOS. Các phán quyết của cơ quan tài phán cũng góp phần làm sáng tỏ cách giải thích và thực thi luật quốc tế.

bien-dong-1.jpg
Các đại biểu chia sẻ trong quá trình hợp tác triển khai phát triển kinh tế biển xanh, ASEAN và các đối tác cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như sự thiếu hụt khuôn khổ nền tảng, thiếu nguồn lực tài chính

Đánh giá về giá trị của Tuyên bố DOC, nhiều học giả cho khẳng định: DOC là thành tựu quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc, cho thấy các bên có thể hợp tác để tìm kiếm tương đồng vì mục đích chung dù vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt. Việc đạt được tuyên bố DOC có ý nghĩa khởi đầu cho những nỗ lực chung thúc đẩy hợp tác tại khu vực, là cơ sở cho quá trình tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tương lai.

Thảo luận về những phát triển gần đây tại Biển Đông, các đại biểu nhận định: Việc có nước lợi dụng những quy định thiếu rõ ràng trong luật quốc tế và các phát triển của khoa học công nghệ để tiến hành các hoạt động ảnh hưởng tới quyền lợi của các quốc gia ven biển và trật tự trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, đánh giá về những thách thức mới với an ninh biển trong thời gian gần đây, các học giả cho rằng biển không phải là không gian tách biệt mà có mối liên hệ mật thiết giữa các không gian khác như đất liền, vùng trời, đáy biển, vùng đất dưới đáy biển và kết nối cả với không gian phi truyền thống như không gian mạng và khoảng không vu trụ trong bối cảnh khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển. Đây cũng là những điểm mà các quốc gia trong khu vực cần tính tới trong việc thúc đẩy hợp tác để xây dựng nhưng quy tắc đảm bảo an toàn, phòng chống đụng độ, từ đó đảm bảo an ninh và hoà bình trên biển.

Để thúc đẩy hợp tác và phục hồi bền vững, các học giả đánh giá về triển vọng thúc đẩy hợp tác kinh tế biển xanh, nhiều ý kiến đều cho rằng kinh tế xanh/ kinh tế biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sáng tạo, sử dụng tốt các nguồn tài nguyên, đối phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của nhiều quốc gia, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.

Chính vì thế, các nước và các tổ chức quốc tế như EU, ASEAN đều ưu tiên phát triển hợp tác kinh tế biển xanh và hợp tác trên biển, đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19 nằm thúc đẩy sự kết nối, đảm bảo chuỗi cung ứng và hồi phục nền kinh tế.

Một số đại biểu chia sẻ trong quá trình hợp tác triển khai phát triển kinh tế biển xanh, ASEAN và các đối tác cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như sự thiếu hụt khuôn khổ nền tảng, thiếu nguồn lực tài chính. Trong đó, tình hình tranh chấp trên Biển Đông chưa được giải quyết cũng sẽ là lực cản đối với việc hiện thực hoá chiến lược kinh tế biển xanh. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết các khó khăn, các bên cần tận dụng thế mạnh để thúc đẩy hợp tác kinh tế và khuyến khích sự tham gia theo mô hình xã hội hoá với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp công và tư nhân.

Các đại biểu cũng bày tỏ quan tâm thảo luận về nội dung thương mại bền vững, chuỗi cung ứng, phục hồi kinh tế, phát triển. Các biến động lớn trên thế giới trong những năm qua như cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại dịch COVID-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraina, đã có tác động sâu rộng tới kinh tế toàn cầu trong nhiều lĩnh vực cụ thể như vận tải đường biển và chuỗi cung ứng bán dẫn.

Để vượt qua các thách thức trên, nhiều ý kiến cho rằng các quốc gia và khu vực cần tăng cường tự chủ và độc lập, đa dạng chuỗi cung ứng, tăng cường dịch vụ cảng biển, vận tải biển, mở rộng hợp tác để giảm thiểu tác động của sự gián đoạn nguồn cung vật liệu thô, bán dẫn, các khoáng chất quan trọng và công nghệ xanh và sạch.

Phát biểu bế mạc tại Hội thảo, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá cao sự tham gia tích cực và nhiệt tình của các đại biểu trực tuyến và trực tiếp và chất lượng của các phiên thảo luận. Qua 2 ngày hội thảo, 8 phiên thảo luận, 1 phiên dẫn đề, gần 40 bài tham luận và hơn 160 ý kiến bình luận, câu hỏi trao đổi tại hội thảo đã cho thấy Biển Đông không phải là vùng biển đóng kín mà đóng vai trò trung tâm, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

“Biển Đông đang đối mặt với nhiều biến chuyển và nhiều thách thức từ tình hình chung của thế giới và khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh các thách thức, chúng ta vẫn có thể thấy được những tín hiệu tích cực và tiếp thu các ý tưởng và đề xuất có giá trị để đối phó với những khó khăn thách thức. Trong thời gian tới, cộng đồng khu vực và quốc tế cần tiếp tục cam kết với luật pháp quốc tế và việc đảm bảo thượng tôn pháp luật, tin tưởng vào các kênh hợp tác đa phương, linh hoạt, sáng tạo trong các cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực và không gian khác nhau để xây dựng Biển Đông thành một vùng biển hoà bình, giúp các quốc gia tập trung phục hồi bền vững”- Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vì một Biển Đông hoà bình, phục hồi bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.