Vì sao phải thay đổi hình thức khen thưởng, kỷ luật học sinh?

Minh Châu|12/09/2020 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Không chỉ thay đổi hình thức kỷ luật, cách khen thưởng học sinh tới đây dự kiến cũng sẽ có những điều chỉnh nhằm hạn chế tình trạng ‘lạm phát giấy khen’ như thời gian qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thế thông tư trước đây. Trong đó, lần đầu tiên sau 30 năm không còn hình thức kỷ luật học sinh như: Buộc thôi học và cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh – sinh viên (Bộ GD-ĐT) đã có những chia sẻ về điểm mới trong khen thưởng và kỷ luật học sinh được xây dựng trong dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa

Ông Linh cho hay, trong dự thảo thông tư lần này, Bộ GD-ĐT hướng đến việc khen thưởng học sinh phải tạo động lực cho người học trong việc đổi mới sáng tạo, tự đổi mới phương pháp học tập,…

Theo ông Linh, thời gian qua, việc khen thưởng tràn lan, thậm chí khen cho cả các học sinh khá được báo chí phản ảnh. Điều này cũng dẫn đến việc khen thưởng không còn nhiều ý nghĩa, học sinh không còn động lực trong việc cố gắng.

Ông Linh cho hay, trong dự thảo thông tư lần này, Bộ GD-ĐT hướng đến việc khen thưởng học sinh phải tạo động lực cho người học trong việc đổi mới sáng tạo, tự đổi mới phương pháp học tập,…

Theo ông Linh, thời gian qua, việc khen thưởng tràn lan, thậm chí khen cho cả các học sinh khá được báo chí phản ảnh. Điều này cũng dẫn đến việc khen thưởng không còn nhiều ý nghĩa, học sinh không còn động lực trong việc cố gắng.

Ông Linh nhấn mạnh, theo dự thảo thông tư mới, việc khen định kỳ của nhà trường sẽ chỉ được tổ chức vào dịp cuối năm, thay vì từng học kỳ như hiện nay.

Đối tượng được khen cũng sẽ “hẹp” hơn chỉ có các học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện đối với tiểu học; học sinh đạt danh hiệu Giỏi đối với THCS và THPT.

“Như vậy đối tượng “theo từng mặt”, hay đạt kết quả học lực khá và hạnh kiểm khá sẽ không nằm trong diện được tặng giấy khen. Qua đó, không xảy ra hiện tượng khen tràn lan và các học sinh được khen mà kể cả các em chưa được khen đều có thêm động lực phấn đấu”, ông Linh nói.

Theo ông Linh, đối với việc khen thưởng, học sinh phải thực sự vượt trội, phải có sự tiến bộ, kết quả đối với một phẩm chất nào đó.

Hoặc có thành tích xuất sắc, đột xuất thì được hiệu trưởng nhà trường tặng giấy khen. “Ví dụ học sinh cõng bạn đến trường, cứu người đuối nước, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất,… thì hiệu trưởng nhà trường có thể tặng giấy khen. Hoặc kết quả môn học nào đó của học sinh vượt trội năm này so với năm ngoái. Như vậy, chúng tôi tin rằng việc khen thưởng sẽ không thể diễn ra tràn lan như trước được”, ông Linh nói.

Tuy nhiên, theo ông Linh, dự thảo thông tư này chỉ hạn chế việc tặng giấy khen định kỳ cuối năm học của hiệu trưởng, chứ không hạn chế các hình thức khen thưởng khác. Ngược lại, Bộ rất khuyến khích việc khen thường xuyên và đặc biệt nhấn mạnh cần kịp thời khen ngợi, biểu dương học sinh trước lớp, trước toàn trường khi các em có kết quả học tập, rèn luyện hay việc làm tốt, dù là nhỏ.

“Với các hình thức khen này, sẽ do hiệu trưởng và hội đồng nhà trường, giáo viên và phụ huynh chủ động thực hiện. Ví dụ như hình thức thư khen thì hiệu trưởng hoặc giáo viên có thể thực hiện trong quá trình học tập; hoặc giáo viên khen động viên trong lớp đối với học sinh,…”.

Ảnh minh họa

Đặc biệt, lần đầu tiên sau 30 năm không còn hình thức kỷ luật học sinh như: Buộc thôi học và cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường.

Thông tư sẽ khuyến khích các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực đối với học sinh mắc khuyết điểm.

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, nhà trường xem xét thực hiện các hình thức kỷ luật khác như khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.

Hình thức kỷ luật cao nhất theo Thông tư 08 năm 1988 là “đuổi học một năm” nhưng trong dự thảo Thông tư mới đã thay từ “đuổi học” thành “tạm dừng học tập trên lớp” với mức tối đa giảm xuống còn hai tuần đối với những vi phạm như: Đánh nhau có tổ chức, sử dụng vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, học sinh khác…

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Linh cho hay: “Chúng ta cũng biết là hoạt động thi đua khen thưởng đối với học sinh phổ thông là một trong những nội dung rất quan trọng trong những hoạt động chỉ đạo đối với cơ sở giáo dục. Trong thời gian vừa qua, những vấn đề về khen thưởng, kỷ luật học sinh cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Và hiện nay các Bộ ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước sẽ thường xuyên tổ chức rà soát rồi bổ sung sửa đổi các quy định trong ngành để làm sao phù hợp với yêu cầu của cuộc sống.

Việc rà soát để sửa đổi một số quy định về công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh dựa trên các nội dung tại Luật trẻ em 2016 và Luật Giáo dục 2019 mới được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, một số nội dung về khen thưởng cũng cập nhật các nội dung tại Luật Thi đua khen thưởng mới được Quốc hội ban hành.

Chúng ta cũng thấy rằng, việc thực hiện công tác thi đua khen thưởng thời gian vừa qua cũng có những nội dung còn tồn tại, ví dụ công tác khen thưởng còn tràn lan và công tác kỷ luật đôi khi mang tính ‘sát phạt'”.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao phải thay đổi hình thức khen thưởng, kỷ luật học sinh?