Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu

Phương Thảo (t/h)|10/10/2018 10:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

MOITRUONG.NET.VNSáng nay, ngày 10/10, tại trụ sở Chính Phủ, Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ban liên Chính Phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).

>>> Đồng Nai: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu

>>>Sóc Trăng: Những cựu chiến binh hiến đất xây trường

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh minh họa

Tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao Ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu nói chung và cá nhân ngài Chủ tịch Hoesung Lee nói riêng, vì những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời khẳng định Việt Nam đã tích cực trong việc cam kết, thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi.

Cụ thể, Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đồng thời với việc phê duyệt Thỏa thuận Paris; rà soát, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định để hoàn thiện nộp trước Hội nghị lần thứ 25 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) năm 2019; thực hiện đầy đủ các quy định về Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto.

Ngoài ra, Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam gồm các nhà khoa học đầu ngành đã xây dựng các báo cáo khoa học như kịch bản biến đổi khí hậu, báo cáo đặc biệt về cực đoan khí hậu; hỗ trợ xây dựng các chiến lược và chính sách về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hy vọng, các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về biến đổi khí hậu sẽ có đóng góp tích cực cho Báo cáo lần thứ 6 của Ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu, đề nghị Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu chia sẻ những kinh nghiệm để theo dõi, giám sát tổn thất thiệt hại do biến đổi khí hậu trên toàn cầu và chia sẻ kinh nghiệm, giám sát tốt hơn vấn đề này trong thời gian tới.

Ông Hoesung Lee cho biết, Hội nghị lần thứ 21 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) đã thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu “giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở mức thấp hơn đáng kể so với 2 độ C và nỗ lực để giới hạn mức tăng nhiệt độ đến 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp”.

Tiếp đó, Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu đã được mời xây dựng và hoàn thành “Báo cáo đặc biệt về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và các cách thức liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu” (Báo cáo 1,5 độ C).

Được biết, ngay sau cuộc họp tại Hàn Quốc về việc xây dựng Báo cáo 1,5 độ C, Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới để giới thiệu Báo cáo 1,5 độ C ngay sau cuộc họp tại Hàn Quốc.

Ông Hoesung Lee tin tưởng những kết quả nghiên cứu khoa học của Ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu sẽ góp phần giúp các quốc gia trong quá trình hoạch định chính sách, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các nước chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu như Việt Nam.

Tại buổi tiếp, ông Hoesung Lee cũng khuyến nghị, Việt Nam nên chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế ít phát thải các-bon, trong đó có việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo.

Phương Thảo (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu