Việt Nam đối mặt với ô nhiễm xuyên biên giới

Nguyễn Hoài|26/04/2017 03:48
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo ô nhiễm không khí, thực trạng và giải pháp, do Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 25/4.

(Moitruong.net.vn) – Bên cạnh các nguồn ô nhiễm trong nước, Việt Nam đang đối mặt ô nhiễm không khí xuyên biên giới do nằm cạnh một số quốc gia có hoạt động sản xuất khá mạnh như Trung Quốc.

o-nhiem-khong-khi

Việt Nam đối mặt với ô nhiễm xuyên biên giới

Ô nhiễm thủy ngân từ Trung Quốc

Thông tin trên báo Tiền Phong, theo ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường, chúng ta không chỉ chịu ảnh hưởng của một hai nước lân cận mà còn bị ảnh hưởng từ những vùng khá xa. Đặc biệt, vào mùa đông ở miền bắc, khi gió mùa đông bắc tràn xuống, chắc chắn các chất ô nhiễm từ Trung Quốc vận chuyển vào Việt Nam.

Thời gian qua, lắng đọng axit có biểu hiện ô nhiễm, sương mù quang hóa cũng xuất hiện, rõ nhất là vào các tháng mùa hè khi thời tiết khô nóng, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.

Mặc dù lắng đọng axit, sương mù quang hóa hay ô nhiễm xuyên biên giới chưa có biểu hiện rõ ràng nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định. Riêng việc quan trắc lắng đọng axit đã phát hiện chất ô nhiễm từ các quốc gia khác. Đáng lưu ý là ô nhiễm thủy ngân – một trong những độc tố nguy hiểm nhất.

Việt Nam chưa có số liệu đo đạc trực tiếp nhưng chắc chắn không tránh khỏi vì rất gần (nằm sát biên giới) và thuận tiện cho việc phát tán (do gió mùa đông bắc đem tới).

Cũng theo ông Thùy, Việt Nam đã bắt đầu tham gia mạng quan trắc lắng đọng axit, thủy ngân, các chất ô nhiễm xuyên biên giới, một thời gian nữa sẽ có số liệu.

Ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường cho rằng, ô nhiễm thủy ngân từ Trung Quốc đã lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Mỹ thì Việt Nam nằm ngay gần, khó tránh khỏi. Theo ông Tiến, Việt Nam nên dựa vào các công ước quốc tế để xây dựng các cam kết giữa hai quốc gia về các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới.

Ô nhiễm Ozon có diễn biến khác thường

Ozon là loại khí có khả năng ngăn chặn các tia cực tím có hại cho sự sống của trái đất ở tầng bình lưu. Tuy nhiên, ở tầng đối lưu (sát mặt đất) có thể gây ra nhiều bệnh hô hấp cho con người khi vượt ngưỡng cho phép. Ô nhiễm Ozon đang có xu hướng gia tăng trong không khí ở các đô thị lớn nước ta.

Theo ông Nguyễn Văn Thùy, kết quả quan trắc không khí ở cả ba miền bắc, trung, nam đều ghi nhận nồng độ ozon vượt ngưỡng cho phép với tỷ lệ không thấp, nhất là các ngày nắng nóng, cao nhất ở thời điểm 12 – 15h. Đặc biệt, xuất hiện hiện tượng Ozon cao về đêm. Điều này trái quy luật, cần được quan tâm, lưu ý.

Việc gia tăng nồng độ Ozon trong không khí làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp ở các thành phố lớn. Nồng độ Ozon trong không khí tăng cao gây nguy hại cho sức khỏe con người, nhất là với trẻ em, người già và người hoạt động nhiều ngoài trời. Ozon làm tổn thương đường dẫn khí, gây viêm các tế bào, gây ho, ngứa họng, khó chịu trong lồng ngực đồng thời làm giảm chức năng phổi, làm nặng hơn các bệnh về hô hấp.

Nguyễn Hoài


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đối mặt với ô nhiễm xuyên biên giới