MOITRUONG.NET.VN – Trước tình hình báo động về diễn biến bất thường của thời tiết, cụ thể là những thiệt hại nặng nề của bão lũ chồng chất lên nhau khiến người dân cũng như cơ quan chức năng ứng phó không kịp. Theo đó, hiện nay, nước ta có hơn 1.200 km đê chưa đạt yêu cầu về phòng, chống bão, lũ.
>>>Đà Nẵng: Sôi nổi ngày hội tái chế quận Thanh Khê năm 2018
>>>Miền Bắc có nơi xuất hiện mưa rất to cuối mùa mưa
Hơn 1.200 km đê chưa đạt yêu cầu về phòng, chống bão, lũ
Theo Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), hiện vẫn còn 244 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt thiếu cao trình, có khả năng bị tràn khi gặp lũ lớn; 726 km đê còn nhỏ, hẹp, chưa đủ yêu cầu so với thiết kế; hơn 12 km đê thường xuyên xảy ra mạch sủi, 66 km đê bị rò rỉ chưa được xử lý; 220 km kè bị hư hỏng, sạt lở và tồn tại 239 vị trí trọng điểm xung yếu cần phải xây dựng phương án bảo vệ.
Hệ thống đê ở nước ta đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài sản, mùa màng và tính mạng của người dân. Tuy nhiên, nhiều tuyến đê xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp, không đủ sức chống chọi với mưa bão. Bên cạnh đó, Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng chống lụt bão được phổ biến rộng rãi, nhưng ý thức chấp hành luật về đê điều của một bộ phận tổ chức, cá nhân ở các địa phương vẫn chưa chuyển biến.
Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hệ thống phòng chống lũ của Việt Nam có độ an toàn rất thấp (chủ yếu là đê biển), thường xuyên bị phá hỏng mỗi khi bão lũ đi qua. Đa phần mái đê phía biển chưa có kè bảo vệ hoặc không còn cây chắn sóng nên thường xuyên xảy ra sạt lở.
Song song với đó là vấn đề,mùa nước lên do triều cường tại ĐBSCL. Theo đó, mực nước sông Cửu Long sẽ lên lại từ ngày 18-10. Ðến ngày 25-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,05 m; tại Châu Ðốc ở mức 2,95 m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 1 – báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp tại tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khương Nha (T/h)