Việt Nam nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

Minh Lâm|11/08/2022 16:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước tình hình bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có văn bản gừi các cơ sở đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nhập khẩu thuốc, để chủ động nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

dau-mua-khi.jpeg
Thời gian ủ bệnh của đậu mùa khỉ từ 5-21 ngày

Cục Quản lý dược vừa có công văn gửi các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc chỉ đạo về việc tăng cường nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Cục Quản lý dược, trước tình hình bệnh đậu mùa khỉ ở người trên thế giới đang có diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã bắt đầu tăng cường nghiên cứu các thuốc mới để có giải pháp hiệu quả hơn trong điều trị cho người bệnh mắc đậu mùa khỉ.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế, các thuốc chứa dược chất Tecovirimat, Brincidofvir, Cidofovir, Probenecid là các thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng. Hiện tại, vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được cấp phép lưu hành ở một số nước.

Để đẩy nhanh việc tiếp cận thuốc mới cho điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Cục Quản lý dược đề nghị các đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nghiên cứu, cập nhật xu thế nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu làm thuốc nêu trên, nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu và sản xuất thuốc.

Các đơn vị nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc chủ động liên hệ với các nhà sản xuất nước ngoài để có thể tiếp cận nguồn cung các thuốc nêu trên và rà soát nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Cục Quản lý dược khẳng định sẽ ưu tiên tối đa để cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo đúng quy định.

Ngày 9/8, Cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Jynneos của Bavarian Nordic trong phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.

Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài nghìn. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, và hình thành một lớp da mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ