Tài chính xanh

Việt Nam - Nhật Bản thỏa thuận hợp tác phát triển công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ

Lan Hạ 04/06/2025 15:00

Theo thỏa thuận, hai triển lãm lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ sẽ đồng tổ chức tại Hà Nội trong tháng 8 tới, mở ra cơ hội tăng tốc chuyển đổi số, mở rộng sản xuất thông minh và thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng là những bước đi chiến lược trong bối cảnh Việt Nam đang vươn lên trở thành trung tâm sản xuất mới tại châu Á.

Theo đó, hàng trăm doanh nghiệp đến từ hơn 10 quốc gia sẽ tham gia triển lãm kép về công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ do Việt Nam - Nhật Bản phối hợp tổ chức.

Cú hích kết nối doanh nghiệp và chuyển đổi công nghiệp

Ngày 3/6, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác tổ chức “Triển lãm Quốc tế về Máy móc và Công nghệ ngành Công nghiệp chế tạo và Công nghiệp Hỗ trợ tại Việt Nam” (Vietnam Manufacturing Expo - VME) lần thứ 17 và “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản” (Vietnam-Japan Supporting Industries Exhibition - SIE) lần thứ 11. Sự kiện do Công ty RX Tradex Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Cục Xúc tiến Thương mại (VIETRADE) – Bộ Công thương tổ chức.

htac.jpg
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác tổ chức Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo và Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản

Triển lãm “kép” sẽ chính thức diễn ra từ ngày 6 - 8/8/2025 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội, dự kiến quy tụ hơn 200 doanh nghiệp đến từ hơn 10 quốc gia, thu hút hơn 10.000 khách tham quan chuyên ngành. Đồng hành cùng triển lãm là chuỗi hội thảo, hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp B2B và chương trình tham quan thực tế nhà máy tiêu biểu – những yếu tố được kỳ vọng sẽ mở rộng chiều sâu hợp tác, xúc tiến đầu tư và thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước.

Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT), chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, da giày, ô tô, cơ khí và điện tử. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu linh kiện trong nước – một con số cho thấy dư địa rất lớn nhưng cũng là thách thức đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ.

“Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành CNHT Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa và tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Phú nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ Công thương đang triển khai các chương trình nâng cao năng lực sản xuất, quản trị và chuyển đổi số cho doanh nghiệp CNHT, đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp FDI lớn và tổ chức xúc tiến thương mại. Riêng năm 2025, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã được phê duyệt với 118 hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tận dụng ưu đãi từ các FTA và quảng bá sản phẩm ra quốc tế.

Sản xuất thông minh là yêu cầu tất yếu trong cuộc chơi toàn cầu mới

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển dịch mạnh mẽ, Việt Nam được xác định là điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư quốc tế. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được dự báo đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% vào năm 2025, tiếp tục duy trì đà tăng so với mức 6,0% dự kiến của năm 2024. Đây là nền tảng thuận lợi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong sản xuất.

“VME và SIE không chỉ là nơi trưng bày công nghệ, mà còn đóng vai trò như nền tảng chiến lược thúc đẩy sản xuất thông minh, tạo ra những liên kết bền vững trong chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu”, bà Varaporn Dhamcharee – Tổng Giám đốc RX Tradex Thái Lan & Việt Nam nhận định.

cnctao.jpg
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp. Ảnh minh họa

Triển lãm năm nay sẽ tập trung vào các giải pháp then chốt như tự động hóa linh hoạt, sản xuất không phát thải (zero-emission), công nghệ xử lý vật liệu, khuôn dập, máy móc và thiết bị đo lường thông minh. Đặc biệt, các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, IoT, dữ liệu lớn (Big Data), và Cognitive Automation sẽ được giới thiệu nhằm giúp doanh nghiệp tái cấu trúc quy trình sản xuất, tăng năng suất và giảm thiểu phát thải carbon.

Từ góc độ đầu tư quốc tế, ông Haruhiko Ozasa – Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội – cho biết: “Có tới 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam dự kiến mở rộng đầu tư trong 1-2 năm tới, trong đó hơn một nửa có kế hoạch tăng cường mua sắm nội địa. Đây là mức cao nhất trong khối ASEAN”.

Chính vì vậy, sáng kiến tổ chức triển lãm kép giữa JETRO, VIETRADE và RX Tradex được đánh giá là bước đi chiến lược nhằm cụ thể hóa nhu cầu hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực, tiếp cận các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh khu trưng bày công nghệ, triển lãm còn tích hợp chuỗi hoạt động kết nối giao thương, như: Buyer Zone – khu vực dành riêng cho nhà mua hàng trong và ngoài nước; Business Matching Zone – không gian kết nối B2B; và hệ thống Onsite Matching System – giúp tìm kiếm đối tác phù hợp ngay tại sự kiện.

Không chỉ tập trung vào doanh nghiệp lớn, triển lãm còn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành CNHT thông qua các chương trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và tham quan mô hình nhà máy tiêu biểu.

VME – SIE 2025 không đơn thuần là một triển lãm công nghệ, mà là “bệ phóng” kết nối, nâng cấp và thúc đẩy sự chuyển mình của doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên sản xuất thông minh và kinh tế số. Trong tiến trình đó, sự đồng hành của các đối tác chiến lược như Nhật Bản, sự quyết liệt từ cơ quan quản lý và sự chủ động từ doanh nghiệp sẽ là chìa khóa then chốt tạo nên một chuỗi cung ứng nội địa bền vững, năng động và thích ứng với thời đại mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam - Nhật Bản thỏa thuận hợp tác phát triển công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.