Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối với phương châm: Tôn trọng, đối thoại và hợp tác

Mai Hạ|01/03/2023 15:17
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

“Là thành viên của nhiều cơ chế đa phương quan trọng, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, sẵn sàng làm cầu nối để làm giảm sự khác biệt, gia tăng sự hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền với phương châm “Tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả quyền con người dành cho tất cả mọi người”.

pho-thu-tg-tran-luu-quang.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên khai mạc Kỳ họp thường niên thứ 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra tại Geneva (Thuỵ Sỹ).

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại phiên khai mạc Kỳ họp thường niên thứ 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra sáng ngày 27/2 tại Geneva (Thuỵ Sỹ).

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thường niên thứ 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thuỵ Sỹ), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thông báo những thành tựu mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền, đồng thời kêu gọi các quốc gia tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy đối thoại, không chính trị hoá và áp đặt, nhằm chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu, với con người là trung tâm của hành động.

Mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, 75 năm sau khi Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc ra đời, nhân loại đã tiến những bước dài trong việc hiện thực hoá những khát vọng về quyền con người, đã thiết lập được các điều ước quốc tế, các chương trình hành động để cộng đồng quốc tế tăng cường nhận thức và hành động.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, vào thời điểm này nhân loại vẫn đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, như chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng xã hội, suy thoái môi trường, thiên tai dịch bệnh, mà đại dịch Covid-19 vừa qua cũng như trận động đất lịch sử tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là một bài học cảnh tỉnh. Phó Thủ tướng cũng gửi lời chia sẻ, cảm thông sâu sắc của chính phủ và nhân dân Việt Nam đến chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, khẳng định Việt Nam đã nỗ lực chung tay cùng cộng đồng quốc tế trợ giúp các nạn nhân thảm hoạ động đất bằng cả nhân lực và vật lực.

Đề cập đến những tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền tại Viêt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là vinh dự lớn và hành trang của Việt Nam đến với Hội đồng nhân quyền là lịch sử hào hùng của dân tộc, là những thành tựu đáng tự hào trong đổi mới, phát triển kinh tế, là chủ trương luôn đặt con người trong vị trí trung tâm trong quá trình phát triển, song hành với quyết tâm gánh vác các trọng trách quốc tế trên cơ sở đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế.        

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng thông báo những chỉ số nổi bật về nhân quyền tại Việt Nam thời gian qua, như việc GDP năm 2022 tăng 8,02% bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 và bất ổn kinh tế thế giới; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 92% dân số. Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong nhóm đứng đầu khu vực và thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham chính, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trên 30%. Dù vẫn nằm trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam vẫn có chỉ số phát triển con người cao (HDI), tăng 5 bậc trong giai đoạn 2015-2021. Với những thành tựu đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng góp lớn hơn cho cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết: “Là thành viên của nhiều cơ chế đa phương quan trọng, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, sẵn sàng làm cầu nối để làm giảm sự khác biệt, gia tăng sự hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền với phương châm “Tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả quyền con người dành cho tất cả mọi người”.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chia sẻ các nhận thức của Việt Nam với tình hình nhân quyền trên thế giới hiện nay. Đầu tiên, theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, mỗi quốc gia đều có khát vọng chung về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nhưng mỗi quốc gia, khu vực có thể có cách tiếp cận khác nhau, do những đặc thù về lịch sử, hệ thống chính trị, văn hoá, kinh tế-xã hội, vì thế cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù đó để cùng tìm ra mẫu số chung, thay vì chính trị hoá và áp đặt.

Nhận thức thứ hai, đó là việc không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay nên việc đối thoại và hợp tác trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc chính là phương thức tốt nhất để tìm kiếm tiếng nói chung. Thứ ba, quyền con người mang tính phổ quát nên cần phải có cách tiếp cận tổng thể, bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền thiết thân, cơ bản nhất, như quyền được sống trong hoà bình, quyền phát triển, quyền tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế… Để đảm bảo thực thi tốt những nhận thức đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng vai trò của một Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có khả năng dung hoà các khác biệt là điều rất quan trọng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Hội đồng Nhân quyền cần khẳng định vai trò trung tâm trong thúc đẩy đối thoại trên tinh thần xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Một Hội đồng Nhân quyền hoạt động hiệu quả, tích cực, khách quan, hoà hợp trong đa dạng, không chính trị hoá, không chia rẽ sẽ là hạt nhân kết nối cộng đồng quốc tế”.

doan-vn.jpg
Đoàn Việt Nam tham dự khai mạc Phiên họp cấp cao khóa 52 Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Kết thúc bài phát biểu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết chia sẻ với các thông điệp của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres rằng tất cả các quốc gia cần nỗ lực xây dựng khế ước xã hội mới, lấy con người làm trung tâm của mọi chính sách và hành động, đồng thời tạo ra một cơ hội cho các nước đang phát triển được nói lên tiếng nói của mình. Phó Thủ tướng khẳng định, với ý thức và quyết tâm cao của một thành viên Hội đồng nhân quyền, Việt Nam sẽ đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho công việc của Hội đồng nhân quyền, vì tương lai tốt đẹp hơn của toàn nhân loại.

Đây là hoạt động đầu tiên của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong khuôn khổ chuyến tham dự phiên họp cấp cao khoá 52 Hội đồng Nhân quyền LHQ từ ngày 27-28/2.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng sẽ có các cuộc gặp, tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Geneva; tiếp lãnh đạo và quan chức một số nước nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, quốc gia này.

"Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chính thức mở đầu sự tham gia của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025", Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhấn mạnh.

Cũng theo Đại sứ, đây là hoạt động ngoại giao cấp cao nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại đa phương, đề cao vai trò của LHQ trong quản trị toàn cầu; đồng thời đề cao chiến lược cũng như chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước lấy con người là trung tâm của sự phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững để mọi người dân đều được hưởng thành quả từ quá trình phát triển mang lại.

Thành lập năm 2006, Hội đồng Nhân quyền LHQ là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.

Hội đồng Nhân quyền có 47 nước thành viên, được phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý, cụ thể là: Nhóm châu Á được 13 ghế, Nhóm châu Phi 13 ghế, Nhóm Đông Âu 6 ghế, Nhóm Mỹ Latin và Caribbe 8 ghế, Nhóm Tây Âu và các nước khác (phương Tây) 7 ghế.

Các thành viên có nhiệm kỳ 03 năm, không được tái cử nếu đã qua hai nhiệm kỳ liên tục. Hội đồng Nhân quyền LHQ bầu Chủ tịch và 04 Phó Chủ tịch có nhiệm kỳ 01 năm dựa trên đề cử của 5 nhóm khu vực và theo nguyên tắc luân phiên giữa các nhóm khu vực.

Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ từ khi cơ quan này được thành lập, trong đó Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 càng có ý nghĩa hơn khi năm 2022 kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối với phương châm: Tôn trọng, đối thoại và hợp tác
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.